Một nhà khoa học giáo dục ngậm ngùi: “Chưa có quốc gia nào mà nền giáo dục cải cách nhiều như ở Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam cải cách nhiều nhất… Sau mỗi lần cải cách, tốn kém không biết bao nhiêu tiền bạc của Nhà nước, nhưng kết quả mang lại thì không đáng là bao, thậm chí thụt lùi”.
Thực tế Việt Nam đang có chuyện ngược đời: tại một số trường trung cấp, số thạc sĩ, cử nhân theo học ngày càng đông.
Chẳng hạn, ở Trường trung cấp du lịch và khách sạn Saigontourist, trong số 2.000 học sinh trường tuyển mỗi năm, khoảng 600 người có bằng đại học, cao đẳng, thậm chí thạc sĩ-chiếm khoảng 30%. Hầu như những người đã có bằng đại học, cao đẳng (nhiều ngành nghề) quay lại học trung cấp đều đang thất nghiệp.
Tại Trường trung cấp Ánh Sáng, mỗi năm chỉ tuyển 1.000 học sinh, nhưng có tới 30% trong số đó đã có bằng đại học, cao đẳng. Họ tốt nghiệp tại đủ ngành nghề và rất nhiều học viên tốt nghiệp các trường đại học công lập…
Đại diện một số trường cho biết, những người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm quay lại học trung cấp ở những ngành nghề phù hợp hơn, dễ tìm việc làm hơn.
Mỗi năm cả nước có hơn 72.000 lao động trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp. Trong khi đó, chỉ tiêu vào đại học tăng theo từng năm. Thực tế này khiến không ít người xót xa.
Vì sao? Vì tâm lý chuộng bằng cấp và công tác hướng nghiệp chưa hiệu quả dẫn đến sự lệch hướng. Tình trạng ngồi nhầm đại học, cao đẳng xảy ra nhiều năm, với nhiều sinh viên nên chuyện những cử nhân, kỹ sư thất nghiệp rồi quay lại học trung cấp với quyết tâm làm lại cuộc đời ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề nhức nhối.
Quá trình “liên thông ngược” nêu trên cho thấy một sự lãng phí rất lớn trong đào tạo đại học, cao đẳng hiện nay. Và đó cũng chính là hệ quả của đào tạo đại học, cao đẳng tràn lan!
Người ta tính, chi phí cho một người học đại học (4 năm), bình thường không dưới 100 triệu đồng, bao gồm học phí và các chi phí khác. 4 năm đèn sách-ra trường thất nghiệp rồi lại tiếp tục học một nghề khác để mưu sinh là sự lãng phí rất lớn. Nhiều người trong số đó ôm theo cả một khoản nợ lớn mà chưa biết khi nào mới trả được...
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Khoa học-Công nghệ, cả nước hiện có trên 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996, đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó tiến sĩ tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm. Sau 38 năm (1976-2014), Việt Nam có 1.628 giáo sư và 9.469 phó giáo sư (riêng năm 2014, có thêm 644 giáo sư và phó giáo sư).
Tiến sĩ là những người có các công trình nghiên cứu rõ rệt và đặc thù, chuyên đề hay chuyên môn; chứ không phải chỉ làm những chuyên đề hay những khảo cứu để cho xong bản luận văn tiến sĩ và đáp ứng sự đòi hỏi của đại học đang theo học để được cấp bằng tiến sĩ.
Người ta thích có bằng và họ thích cho nhau bằng (?!). Người có bằng tiến sĩ thì thấy oai lắm, oách lắm! Đó là một thứ bệnh: bệnh thành tích lan tràn, chỉ quen khen nhau, tâng bốc nhau! Trong khi hầu hết các đề tài, nghiệm thu xong thì bỏ vào tủ lưu giữ trong phòng quản lý khoa học, dùng làm chứng từ thanh toán, tính điểm công trình để ứng cử vào các chức danh giáo sư, phó giáo sư... Điều này gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước…
Hàng nghìn tiến sĩ không bằng “nhà khoa học chân đất”? Trong khi đó, thực tế lại chứng minh, nhiều sáng chế của các “nhà khoa học chân đất” (chế tạo tàu ngầm Trường Sa, chế tạo xe bọc thép, sáng chế ra thuốc trừ sâu người ta có thể uống được...) được giới phân tích đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, việc áp dụng các sáng chế này vào thực tế còn gặp vô vàn khó khăn trở ngại…
Các chuyên gia đầu ngành, có uy tín đã phải thốt lên rằng: Việt Nam có số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ không chỉ nhiều nhất Đông Nam Á, mà còn nhiều hơn cả của Mỹ và Trung Quốc. Cho dù họ hoạt động trong lĩnh vực (ngành) có sáng chế hoặc “không thể có sáng chế”, thì có một thực tế đó là Việt Nam chưa sản xuất nổi một sản phẩm đáng đồng tiền bát gạo. Vậy thì nhiều-nhất như thế, để làm gì?
Việt Nam đang thừa nhiều bằng cấp, nhưng thiếu những nhà khoa học thực thụ một cách trầm trọng!
Xuân Phong