Những tháng mùa khô thiếu nước nên cán bộ, chiến sỹ tại trạm lại luân phiên nhau cùng người dân vượt hơn 12km đường rừng để đi lấy nước sinh hoạt  

Với nhiệm vụ bảo vệ 5 cột mốc biên giới và kiểm soát người, phương tiện qua lại biên giới Việt – Lào nhưng đến nay Chốt kiểm soát BP Huồi Khe, Đồn BP Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An (thuộc Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An) vẫn phải công tác với sự thiếu thốn đủ bề. Nơi đây không sóng điện thoại, không điện lưới, đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt. Mùa mưa thì bị chia cắt với bên ngoài bởi tình trạng sạt lở đất, mùa khô thì thiếu nước sinh hoạt.

Đồn BP Mường Ải nằm ở địa bàn xa xôi, heo hút cách trụ sở Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An hơn 350km và cách trung tâm huyện Kỳ Sơn hơn 100km.  Đồn có nhiệm vụ bảo vệ, tuần tra, kiểm soát người, hàng hóa trên dọc tuyến đường biên hai xã Mường Ải và Mường Típ, huyện Kỳ Sơn tiếp giáp với nước bạn Lào với tổng chiều dài đường biên lên đến 52km với 10 cột mốc, 6 cột dấu. Nơi có địa hình vừa bị chia cắt bởi đồi núi cao và khe sâu cùng với ngăn cách bởi dòng sông Nậm Mộ. Đây là địa bàn sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiếu số như Thái, Mông, Khơ mú. Với địa hình đa dạng, nhiều đường mòn lối mở nên việc tuần tra, kiểm soát cột mốc cũng như ngăn chặn vượt biên trái phép, các hành vi vi phạm pháp luật gặp muôn vàn khó khăn.

Chính điều đó nên năm 2014, Chốt kiểm soát BP Huồi Khe được thành lập. Chốt đóng chân ngay ở cột mốc, thường trực có 6 cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, tuần tra 5 cột mốc.  Chốt cũng có nhiệm vụ kiểm soát người qua lại biên giới với các bản Loong Hồ, Xám Chè, Pà Kha, huyện Mường Mộc, nước bạn Lào.

Chốt Huồi Khe đặt ở nơi hẻo lánh giữa rừng núi với khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn đủ bề

Được Trung tá Vừ Bá Rê - Chính trị viên Đồn BP Mường Ải dẫn đường, mất hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được nơi đóng chốt. Con đường lên chốt bên dốc cao, bên vực sâu, nhiều điểm sương mù rơi đường trơn trượt, mù chỉ nhìn thấy phía trước chưa đầy 2 mét. Con đường bê tông dùng để tuần tra cột mốc trải qua nhiều mùa mưa bão nhiều đoạn đã bị sạt lở vùi lấp, nhiều mảng bê tông lớn bị nước và bùn đẩy xuống vực.

Vừa gặp chúng tôi, Thượng úy Hồ Ngọc Đàm - Chốt trưởng chốt Huồi Khe đã hồ hởi bắt tay và mời chúng tôi vào nhà uống cốc nước chè cho ấm rồi cho biết: “Lâu lắm rồi mới có người dưới xuôi lên đây đó ạ. Bởi đường khó đi, khí hậu quanh năm khắc nghiệt, giá rét nên ai cần việc gì hay lâu mới có người nhà cán bộ, chiến sỹ lên thăm”.

Qua cuộc nói chuyện với thượng úy Đàm và anh em tại Chốt, chúng tôi biết được thêm: Mặc dù trạm đã được thành lập hơn 8 năm và được sự quan tâm của chính quyền  cũng như Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An nhưng nay Chốt vẫn được dựng tạm bằng gỗ với mái tôn. Trong đợt cao điểm chống dịch covid 19 năm 2020 đến nay trạm có thêm hai gian được dựng bằng tôn mỏng.

Những bữa ăn của cán bộ, chiến sỹ tại Chốt Huồi Khe luôn trong cảnh thiếu ánh sáng do không có điện

Khó khăn nhất cho các cán bộ, chiến sỹ tại Chốt là nơi đây không có sóng điện thoại để liên lạc. Chỉ có thiết bị liên lạc điện đàm 3KW quân đội liên lạc với đơn vị, những giờ nghỉ anh em được thay phiên nhau đi xuống cách chốt hơn 2km đứng ở đỉnh núi cao nơi có sóng điện thoại để liên lạc về gia đình. Điện sáng cũng không có nên ánh sáng cả trạm phụ thuộc vào hai tấm pin mặt trời nhỏ chỉ đủ sạc cho mấy chiếc bóng tích điện vào buổi ngày để đêm dùng ăn cơm, họp. Còn sau đó tất cả đều phải ưu tiên cho trạm gác cổng để kiểm soát người qua lại về đêm.

Do ở đây nằm ở triền núi cao nên khí hậu quanh năm rét buốt nhất là vào những ngày từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm. Chốt nằm xa khe suối nên nguồn nước cũng rất khan hiếm, không những vậy nước ở đây còn bị nhiễm vôi phải lọc qua nhiều lần mới sử dụng được. Vào những tháng mùa khô có thời điểm chốt phải cắt cử người thay phiên nhau vượt đường rừng hơn 12km để đi lấy nước về sinh hoạt.

“Thiếu nước cũng đã khổ nhưng anh em còn vận dụng được. Nhưng thiếu thông tin liên lạc, lại không có điện muốn nghe thông tin bên ngoài, nghe tiếng người xuôi cũng chịu. Anh em luôn quyết tâm vì chủ quyền biên giới nhưng chỉ mong sao có điện, có chiếc tivi để biết thêm thông tin hàng ngày của đất nước” - thượng úy Đàm chia sẻ.

Khí hậu khắc nghiệt kèm với đất đai khô cằn nên việc tăng gia sản xuất của cán bộ, chiến sỹ tại đây cũng gặp muôn vàn khó khăn. Những tháng mùa đông gần như không thể trồng rau màu, chăn nuôi được.

Chỉ mới 4 giờ chiều nhưng nơi đây đã tối mịt, gió lạnh buốt luồn khắp cơ thể. Bữa cơm đơn giản với rau rừng, thịt, cá nhưng vì nấu qua nhiều lần nên rũ cả xương ra.

“Các thủ trưởng thông cảm nhé, lên đây cá, thịt phải kho liền cả nồi lớn và hơi mặn một tý mới giữ được lâu. Bởi trên này không có điện không có tủ đông. Cứ hàng tuần đơn vị hoặc anh nuôi của Chốt lại xuống đơn vị nhận tiếp phẩm một lần. Có khi vào mùa mưa đường sạt lở thì phải ăn đồ hộp cả tháng” - một chiến sỹ trong trạm nói.

Không chỉ thiếu thốn, khó khăn mà công việc của các cán bộ, chiến sỹ trong trạm cũng hết sức vất vả. Nhân lực ít nhưng Chốt phải tuần tra, kiểm soát bảo vệ tận 5 cột mốc với chiều dài đường biên lên đến 17km. Cùng với đó còn phải kiếm soát chặt chẽ người qua lại biên giới. Những đêm đông các đồng chí trong trạm phải thay phiên nhau trực gác điểm kiểm soát người qua lại biên giới, mỗi ca chỉ 2 tiếng đồng hồ bởi thời tiết  quá lạnh.

“Bộ chỉ huy, đơn vị, chính quyền địa phương cũng biết những thiếu thốn, vất vả, gian nan của anh em chốt Huồi Khe nên luôn ưu tiên, quan tâm. Các cấp chính quyền cũng đã phối hợp và vận động thêm các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thêm cho anh em chốt có cuộc sống sinh hoạt, làm việc ngày càng đầy đủ hơn. Lương thực, thực phẩm luôn đảm bảo đầy đủ, đủ dinh dưỡng cho anh em.  Thời tiết gía rét đơn vị cũng đã lắp máy nóng lạnh chạy bằng gas, bóng đèn tích điện, đèn pin cũng thường xuyên kiểm tra thay mới. Cùng với đó đơn vị cũng thực hiện việc bảo vệ, tuần tra kiểm soát kết hợp cùng với người dân để tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm, kiểm soát chặt chẽ người qua biên giới cũng như bảo vệ an toàn cho các cột mốc chủ quyền quốc gia” - Trung tá Vừ Bá Rê, Chính trị viên Đồn Mường Ải  cho biết thêm.

                                                                                                    Xuân Hòa