Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 cũng là Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Báo CCB Việt Nam trân trọng giới thiệu ký ức của Đại tướng về những ngày chỉ huy Việt Nam Giải phóng quân tiến về giải phóng Thái Nguyên, trong Cách mạng Tháng Tám  1945 (Trích ở “Tổng tập Hồi ký” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nxb QĐND xuất bản năm 2011).

“… Giải phóng quân tiến về Thái Nguyên, đô thị đầu tiên nằm trên đường tiến quân về Hà Nội. Tình hình đã đổi khác, cần tranh thủ thời gian, đoàn quân bỏ lại sau lưng những đồn trại lẻ tẻ của Nhật…

Giải phóng quân đến thời kỳ này không phải chỉ có nhiều hơn về số lượng, trang bị cũng đã khá hơn… Trưa ngày 19-8-1945, bộ đội tới làng Thịnh Đán, phía tây tỉnh Thái Nguyên, tổng số đã đến trên một chi đội, khoảng 450 người…

Chúng tôi đến Thịnh Đán thì được tin một đội tuyên truyền xung phong từ Vũ Nhai tiến xuống hôm trước, đã đột nhập thị xã, tổ chức quần chúng tuần hành thị uy. Một đội quân của Phủ Bình, Phổ Yên cũng đã vào thị xã lùng bắt một số tay chân của địch. Tình hình bảo an binh đang hết sức hoang mang.

Gần Thịnh Đán, một số thanh niên và công chức tỉnh Thái Nguyên đang tổ chức một cuộc mít tinh nhỏ. Bộ Chỉ huy Giải phóng quân ra lệnh cho tất cả những người nào là dân ở tỉnh đều đến gặp tại trụ sở xã, một mặt ra lệnh không cho người ở ngoài vào tỉnh để phong tỏa tin tức. Chúng ta tiến hành điều tra tình hình ở thị xã qua hơn hai chục thanh niên và công chức đến trụ sở. Mấy người làm việc tại Sở Công chính tình nguyện vẽ giúp những bức địa đồ tỉ mỷ của thị xã.

Mười giờ đêm, Bộ Chỉ huy ấn định xong kế hoạch tác chiến.

Mười hai giờ đêm, bộ đội được lệnh xuất quân. Sương đêm phủ trắng xóa các núi đồi. Chúng tôi đi trên những con đường bằng phẳng, rộng rãi, tiến về thị xã Thái Nguyên đang nằm yên trong ánh đèn điện, nhiều lúc tưởng như đang tiến quân giữa đồng bằng. Nhiều chiến sĩ lâu lắm mới nhìn thấy ánh đèn điện của đô thị.

Theo đúng kế hoạch đã định, 4 giờ sáng ngày 20-8 toàn thể bộ đội đều đến các điểm và bố trí xong xuôi. Đồn trại địch rất yên lặng. Những ngôi nhà gạch cao, thấp nhấp nhô, cửa vẫn đóng im lìm, ngủ say trong đêm. Các đầu phố, tự vệ, thanh niên Thái Nguyên nhộn nhịp đắp chiến lũy để ngăn quân địch. Những đội dân quân từ các huyện lân cận tiếp tục kéo về mang theo dao, kiếm, giáo, mác, cả những chiếc búa đinh và những chiếc gậy vát nhọn. Tảng sáng, cuộc chiến đấu sẽ bắt đầu, một cuộc chiến đấu đặc biệt mới mẻ đối với chúng tôi. Nhưng chúng tôi tin chắc sẽ thắng. Khắp bốn chung quanh tỉnh Thái Nguyên, nhân dân đã nổi dậy cả rồi. Chúng tôi không chỉ có bốn, năm trăm người đương đầu với trên trăm quân địch. Quân địch đã trở nên bé nhỏ giữa vòng vây trùng điệp của nhân dân.

Chi đội Giải phóng quân đặt dưới quyền chỉ huy của Chi đội trưởng Lâm Cẩm Như. Đại đội Vy bố trí chung quanh trại bảo an binh. Đại đội Quang Trung được trang bị các thứ vũ khí tốt, xiết chặt vòng vây xung quanh trại Nhật, từ Đồi Thông đến cầu Gia Bảy. Đại đội Quốc Chủng làm dự bị đội. Chỉ huy sở của Giải phóng quân đặt tại tòa thị chính của thị xã.

Năm giờ rưỡi sáng, một cán bộ của Giải phóng quân tiến vào gặp viên Tỉnh trưởng Thái Nguyên, đưa tối hậu thư, đòi trao chính quyền cho Ủy ban Khởi nghĩa và khuyên binh sĩ bảo an phải nộp khí giới cho quân cách mạng; nếu chống cự, Giải phóng quân sẽ tiến công tiêu diệt. Bộ đội ta đã bao vây chặt quanh trại bảo an binh, sẵn sàng nổ súng. Viên Tỉnh trưởng buộc phải chấp nhận tất cả các yêu cầu của Ủy ban Khởi nghĩa. Trước áp lực của Giải phóng quân và của nhân dân, toàn bộ lính bảo an đều phục tùng lệnh, trao lại khí giới. Một số xin gia nhập hàng ngũ Quân Giải phóng. Số đông xin trở về quê quán. Phái viên của Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng đưa các thanh niên tự vệ Thái Nguyên vào trại thu gần 600 khẩu súng. Các chiến lợi phẩm đều được chuyển về địa điểm thứ hai của Bộ Chỉ huy đặt tại Nhà máy điện Thái Nguyên, do anh Trần Đăng Ninh phụ trách…

Cũng vào thời gian này, trời vừa sáng, Đại đội trưởng Quang Trung hạ lệnh nổ súng vào đám quân Nhật tụ tập trong sân trại. Một số địch chết ngay tại chỗ sau loạt đạn đầu tiên. Lập tức bốn phía, liên thanh, phóng lựu, bazoca cũng bắn vào. Sau những phút hoang mang, bọn Nhật lập tức chống trả dữ dội.

Tám giờ, ngày 20-8, Giải phóng quân được lệnh ngừng bắn.

Chúng ta dùng loa báo cho bọn chỉ huy Nhật sẽ có người mang thư của Giải phóng quân vào nói chuyện. Từ trong trại, mấy sĩ quan Nhật cầm cờ trắng ra đón đại biểu Giải phóng quân và nhận lá thư của Ủy ban Khởi nghĩa…

Bọn Nhật cử hai phái viên ra một địa điểm ở gần Bộ Chỉ huy của ta để thảo luận các điều kiện. Cuộc đàm phán kéo dài hơn một giờ. Chúng tôi hiểu rõ bọn Nhật muốn tranh thủ thời gian, đợi quân từ Hà Nội tiếp viện lên. Chúng tôi nói:

- Nếu muốn được an toàn, các ông chỉ còn một cách duy nhất là trao toàn bộ vũ khí cho Quân giải phóng. Từ giờ đến 2 giờ chiều nếu bộ chỉ huy quân đội Nhật tại đây không trả lời dứt khoát, cuộc tiến công sẽ tiếp tục.

Chúng tôi bảo hai viên sĩ quan Nhật trở về trại…

Hai giờ chiều, bọn chỉ huy Nhật chưa trả lời. Giải phóng quân thông cáo cho nhân dân biết cuộc tiến công sắp bắt đầu.

Ba giờ chiều, Đại đội Quang Trung được lệnh sử dụng toàn bộ hỏa lực gồm cả một súng cối bắn vào trại Nhật. Địch cũng lập tức bắn trả. Tiếng liên thanh ran ran; đạn súng cối của ta, của địch liên tiếp làm rung chuyển thị xã.

Nhân dân dựng chiến lũy khắp các đường phố, bất chấp đạn địch, mang cơm nước, đạn dược đến cho bộ đội. Tiếng súng đạn không làm đồng bào khiếp sợ, mà trái lại làm cho mọi người đều hớn hở vui mừng. Lần này không phải là tiếng súng đạn của quân thù tàn sát nhân dân mà là tiếng súng của Quân Giải phóng nổ vào đầu bọn phát xít xâm lược.

Chiều 20-8, trong khi trận đánh vẫn tiếp diễn, Ủy ban Khởi nghĩa tổ chức mít tinh tuyên bố bãi bỏ chính quyền của Nhật, thành lập chính quyền nhân dân, và bắt đầu thi hành chính sách của Chính phủ Lâm thời trong thị xã và trong toàn tỉnh…”.

                                                                                        Đại tướng Võ Nguyên Giáp