Theo Ngân hàng Thế giới (WB), dân số Việt Nam hiện vẫn còn khá trẻ - chỉ hơn 10% là từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, tốc độ già hóa đang tăng rất nhanh, đến năm 2030, gần 1/5 dân số sẽ bước vào tuổi già, đến năm 2050, con số này có thể tăng lên 30%. Báo cáo của WB cho biết: “Tốc độ già hóa tại Việt Nam hiện nằm trong nhóm nhanh nhất thế giới, nhưng nó lại diễn ra trong bối cảnh mức thu nhập thấp hơn nhiều các nước cũng già hóa khác”.
Theo xu hướng “thuận”, các nước phát triển thì giàu rồi mới già. Tức là, ở bình diện chung, ở thời kỳ “dân số vàng”, với lực lượng lao động trẻ chiếm ưu thế, nền kinh tế phát triển nhanh, tạo dựng nền tảng cho một tuổi già an nhàn. Trong khi đó, Việt Nam đang ở giữa thời kỳ “dân số vàng”, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP lại có xu hướng chậm lại. Kinh tế thế giới năm 2017 có tín hiệu khởi sắc, nhưng GDP Việt Nam quý I chỉ đạt 5,1%, thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần đây. Trước đây, tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 8% mỗi năm, 10 năm qua lại chỉ đạt trung bình chưa tới 6,5%.
Những năm qua, tuổi thọ người Việt Nam được nâng lên nhanh chóng. Hiện người Việt đứng thứ 56 trong tổng số 138 nước, đạt tuổi thọ trung bình 75,6 tuổi. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người theo đánh giá sức mua của Việt Nam đứng thứ 160 trên thế giới. Điều đó có nghĩa, tỷ lệ tăng của tuổi thọ không song hành với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Và kết cục, mặc dù tuổi thọ trung bình lên tới 75,6 năm nhưng có khoảng 12 năm sống trong bệnh tật và đau đớn. Một số liệu khác của WB cho thấy, có tới 40% số người Việt Nam từ 70-74 tuổi vẫn đang hằng ngày phải lao động mưu sinh.
Tuổi thọ của người Việt ngày càng được nâng lên là điều đáng mừng. Nhưng, điều đó chỉ thực sự có ý nghĩa trong điều kiện mức sống cũng tăng lên theo tỷ lệ thuận. Tuổi thọ cao, thậm chí, có thể trở thành gánh nặng nếu sống trong cảnh nghèo nàn và bệnh tật.
HQ