Những kế sách của các già làng sẽ góp phần xây dựng Tây Nguyên ngày càng giầu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, đưa Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tới dự.
Tây Nguyên đã đổi thay nhiều. Hiện nay từ Tây Nguyên đi về miền Đông Nam Bộ, xuống duyên hải miền Trung; sang Lào và Campuchia đều thuận lợi. ba cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), Pleilku (Gia Lai) được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua Tây Nguyên đã hoàn thành cơ bản. Giao thông nông thôn tiếp tục phát triển, hơn 99% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm. Tây Nguyên đã và đang trở thành trung tâm năng lượng lớn; theo dự báo đến năm 2010, tổng công suất điện năng của khu vực này sẽ chiếm khoảng 25% tổng công suất điện của cả nước. Trên lĩnh vực nông nghiệp, Tây Nguyên có bước phát triển khá nhanh, đã có 200.000ha lúa, gần 450.000ha cà phê, 120.000ha cao su, 117.000ha chè, hơn 10.000ha cây điều, 14.60ha tiêu…trở thành vùng cây công nghiệp và vùng nông sản tập trung lớn nhất nước. Trong các vùng đông bào dân tộc thiểu số, 100% xã đã có điện thoại, 96% xã có trạm y tế, trong đó 52,6% trạm y tế có bác sĩ, 845 xã, phường, thị trấn đã hoàn hành phổ cập giáo dục THCS. Toàn vùng đã có 96% số hộ được nghe Đài tiếng nói Việt Nam, 87% số hộ được xem truyền hình. Nhiều vùng dân cư đã trở thành những điểm sáng về phát triển kinh tế… Đến cuối năm 2008, trong tổng số 1.040.000 hộ của toàn khu vực, chỉ còn 157.350 hộ nghèo. Những lễ hội truyền thống, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được giữ gìn, bảo tồn và phát huy; các nghề thủ công cổ truyền nổi tiếng ngày càng phát triển. Nhiều già làng trưởng bản đã góp phần vào sự đổi mới của Tây Nguyên. Già làng Hồ Khăm 92 tuổi ở làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê (Gia Lai), đã vận động dân làng bỏ được tập quán du canh, tập trung làm lúa nước, nhờ vậy mà đến nay làng Pơ Nang không còn hộ nghèo, không còn hộ dân nào phải sống trong những mái nhà tranh tre dột nát. Nữ già làng Kso B’lăm, làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông (Gia Lai), một trong sáu nữ già làng tiêu biểu dự hội nghị này là một tấm gương sáng về lao động sản xuất giỏi không chỉ làm giầu cho gia đình, mà còn giúp cho dân làng hàng trăm triệu đồng để làm vốn sản xuất. Hay già làng K’ Lếu, ở thôn 1, xã Tân Châu, huyện Di Linh (Lâm Đồng), đã tích cực vận động dân làng thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, góp phần đưa Tân Châu trở thành xã giầu có, với mức thu nhập bình quân 13 triệu đồng/người/năm, được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Các già làng: Y Yăm ở bon Bu Đăk, xã Thuận An, huyện Đắc Min; già làng Điểu Kyot ở bon Ja Rtonh, xã ĐăkRmoam, thị xã Gia Nghĩa (Đắc Lắc), đã vận động gia đình, dòng họ, bà con trong buôn, bon thực hiện chủ trương định canh, định cư.
Các già làng không chỉ là chỗ dựa, mà đang còn là những tấm gương sáng trong từng công việc, trên từng lĩnh vực, lời nói việc làm của các già làng như là những khuôn mẫu để dân làng học tập, làm theo. Tuy không giữ bất cứ cương vị lãnh đạo nào ở các buôn làng, nhưng các già làng là những bậc hiền minh, được dân làng tự giác suy tôn, vì vậy có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc. Để các già làng ngày càng đóng góp, hiến kế được nhiều cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Tây Nguyên giầu mạnh, cần có những chính sách, giải pháp giúp đỡ các già làng cả về vât chất và tinh thần, đồng thời thường xuyên cung cấp thông tin về kinh tế, chính trị, xã hội… để các già làng nắm bắt kịp thời. Và nên chăng, định kỳ có những hội nghị trao đổi kinh nghiệm ở các vùng miền và trong phạm vi cả nước. Tạo điều kiện để các già làng được giao lưu, trao đổi, tiếp thu những kinh nghiệm…
Đặng Trung Hội