Một em bé chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại trại tị nạn ở Gaza.
Gaza là dải đất rộng hơn 360km2 ở ven Địa Trung Hải, từ nhiều thế kỷ là nơi sinh sống của người Ả-rập Hồi giáo chiếm đa số và người theo Thiên Chúa giáo, Do Thái thiểu số. Từ sau Thế chiến thứ nhất, cũng như toàn vùng lãnh thổ Palestine, Gaza thuộc quyền cai trị của người Anh. Năm 1947, Liên Hợp quốc thông qua Nghị quyết 181 chấm dứt quyền uỷ trị của Anh, và từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Ả-rập - Israel lần thứ nhất (tháng 2-1949), Gaza thuộc kiểm soát của Ai Cập. Năm 1967, Israel chiếm dải Gaza, người Palestine ở đây rơi vào cảnh tị nạn. Năm 1993, theo Hiệp ước hòa bình Oslo, Israel giao lại quyền kiểm soát một phần Gaza cho chính quyền bán tự trị Palestine; đổi lại, phía Palestine cam kết kiềm chế bạo lực của các nhóm du kích Palestine như Hamas. Sau khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Gaza năm 2006, chính quyền Palestine nắm quyền tài phán Gaza, đồng thời kiểm soát biên giới Gaza với Ai Cập, trong khi Israel kiểm soát không phận và đường bờ biển của dải đất này.
Tại Gaza, khoảng 80% người tị nạn Palestine phải sống nhờ vào viện trợ và hơn nửa triệu người sống trong các trại tị nạn. Tỷ lệ nghèo đói và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 40%; trên 90% số trường học phải chia thành 2 ca sáng và chiều; lương thực, thực phẩm khan hiếm; người dân ở Gaza chỉ dùng điện 6 giờ mỗi ngày do lượng điện chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu.
Chính vì những nguyên nhân này mà bạo lực, xung đột xảy ra gần như hằng ngày. Gần nhất, ngày 7-10-2023, lực lượng Hamas đột kích miền nam Israel, bắt cóc khoảng 250 người Israel tới Gaza; Israel lập tức mở chiến dịch đáp trả với mục tiêu "xóa sổ" Hamas và giải cứu con tin. Cho đến nay, theo Cơ quan y tế địa phương, hơn 31.600 người đã thiệt mạng, khoảng 1,7 triệu người Palestine tương đương 75% dân số Gaza rơi vào khủng hoảng nhân đạo.
Đặc biệt, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), trên 13.000 trẻ em đã thiệt mạng ở Gaza trong các cuộc tấn công của Israel, nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết: "Hàng nghìn trẻ em bị thương hoặc thậm chí không thể xác định được ở đâu - có thể bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Chúng tôi chưa từng thấy tỷ lệ tử vong ở trẻ em như vậy trong hầu hết các cuộc xung đột khác trên thế giới. Tôi đã đến khu chăm sóc trẻ em bị thiếu máu và suy dinh dưỡng, cả khu yên tĩnh tuyệt đối vì các em… thậm chí còn không có sức để khóc”.
Trong khi đó, tổ chức phi chính phủ Oxfam cáo buộc Israel xem thường lệnh tăng cường viện trợ cho Gaza của Tòa án Công lý quốc tế (IJC) bằng cách cản trở có hệ thống nỗ lực giúp đỡ người dân Gaza. “Những quy định kiểm tra vô lý của Israel khiến các xe tải chở hàng viện trợ vào Gaza bị mắc kẹt trung bình khoảng 20 ngày. Chính quyền Israel thậm chí vô cớ từ chối những mặt hàng như máy phát điện dự phòng, đèn pin…”. Một chuyên gia của Liên Hợp quốc cũng cho rằng Israel đang phá hủy hệ thống cung cấp lương thực của Gaza như một phần của “chiến dịch bỏ đói” tại đây.
Về phía Israel, bất chấp sức ép quốc tế và những nỗ lực về một thỏa thuận ngừng bắn, Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc chiến cho đến khi đạt được mục tiêu loại trừ Hamas, giải thoát toàn bộ con tin và đảm bảo Gaza sẽ không còn là mối đe dọa đối với Israel. “Để đạt được điều đó, chúng tôi sẽ tấn công vào T.P Rafah" - ông Netanyahu nhấn mạnh.
Sau nhiều nỗ lực thất bại, HĐBA Liên Hợp quốc ngày 25-3-2024 thông qua nghị quyết yêu cầu Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời thả vô điều kiện toàn bộ con tin. Tuy nhiên, nếu cộng đồng quốc tế không gia tăng sức ép lên Israel (Mỹ bỏ phiếu trắng và tuyên bố nghị quyết không có giá trị pháp lý) thì nghị quyết vẫn chỉ là nghị quyết và tình trạng nỗi đau chồng nỗi đau của người dân Gaza sẽ còn kéo dài.
Đăng Song