Có một dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ, đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, tôi đã chứng kiến cảnh gặp gỡ của hai người từ "hai thế giới" sau bao năm...Vốn sẵn lòng yêu bộ đội, lại được gặp một sự thuỷ chung đầy xúc động, tôi đã không kìm được ý muốn kể lại chuyện này.
Anh cũng ở trong một đoàn đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Sau khi thắp hương ở nhà bia tưởng niệm, mọi người tản ra tìm mộ người thân. Riêng anh, bước qua vài ba hàng mộ, tôi thấy anh sững lại trước ngôi mộ có bia đề: "Phạm Thanh Tâm, quê Vũ Lãng, Vũ Thư, Thái Bình". Anh hô lớn như đứa trẻ: "Đây rồi! Đây rồi!"... Đôi chân anh từ từ khuỵu xuống, hai mắt ứa lệ, tay run rẩy rờ rẫm lên ngôi sao và hàng chữ trên bia mộ. Tiếng anh giờ đây nhỏ lại, giọng anh nghẹn ngào, đứt quãng: "Đúng rồi!...Em đây rồi! Anh có viết cho em bài thơ sau khi nghe tin em hy sinh, đã lúc nào đọc cho em nghe đâu...Bài thơ cách đây 24 năm rồi...". Cứ thế, anh thủ thỉ bên ngôi mộ - như nghĩa trang này chỉ có hai người...Tôi đứng lẳng lặng sau anh hồi lâu. Bất chợt như trở về thực tại, anh run rẩy thắp hương lên mộ, rồi chắp tay, cúi đầu, thầm thì đọc bài thơ ấy... Nhìn cử chỉ lóng ngóng, ngượng nghịu của một người đàn ông còn chưa quen khấn vái, tôi càng thương càng không cầm được nước mắt, và tôi đã không thể không làm quen với anh...
Anh nguyên là bộ đội Trường Sơn, thấy nói ở đại đội 8, Trung đoàn 32. Anh quen chị ở một trạm giao liên. Bấy giờ, bên tây Trường Sơn là mùa mưa, đơn vị của chị được lệnh chuyển sang đông, tập kết tại Quảng Bình. Anh đang ở đó chờ lệnh tiến sâu vào mặt trận thì nhận được thư tay chị gửi, đang mừng vui và hy vọng gặp mặt, thì một tin khủng khiếp đến với anh: Chị đã hy sinh tại trọng điểm Phu-la-nhích ở biên giới Việt- Lào. Lúc lâm nạn, nghe nói chị như cố đợi chờ một điều gì đó, ba giờ sau mới trút hơi thở cuối cùng, ở tuổi đời tròn 18 - cái tuổi mà anh nói: "Công việc thì hết mình - Tình yêu thì say đắm". Mùa hè 1973, ta liên tiếp mở nhiều chiến dịch. Anh nhận nhiệm vụ vào tây Thừa Thiên, công việc dồn dập, gấp gáp; nén nỗi đau, nỗi nhớ, bên khe suối vùng đồi Ba Trại, anh đã viết bài thơ: "Vĩnh biệt Tâm", rồi gấp thành thuyền thả trôi theo dòng nước... Con thuyền giấy chở bài thơ đi, mà người anh rừng rực như có lửa, anh xách súng lên xe và cuốn theo chiến sự cho đến ngày 30-4-1975, tiếp đó lại sang làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Cam-pu-chia, sau đó mới chuyển ngành...
Tôi là con liệt sĩ, giữa nơi yên nghỉ của hơn 1 vạn liệt sĩ, tiếp chuyện anh, có nỗi đau của người con mất cha, nên rung cảm được ngay nỗi đau có người bạn gái hy sinh của anh. Còn biết bao đau đớn của nhiều mối quan hệ khác, mà chiến tranh tàn khốc đã gieo đến cho họ. Hàng vạn liệt sĩ nằm ở khắp nơi, cũng như các liệt sĩ nằm bên bờ Bến Hải này, là biểu tượng ý chí sắt đá, gắn chặt hai miền, mãi mãi không kẻ thù nào có thể chia cắt nổi. Nơi nghĩa trang thiêng liêng, u tịch, tôi càng thấy mối tình của anh chị vĩ đại biết bao, ấn tượng xúc động mãnh liệt, tôi xin anh cho ghi lại bài thơ "Vĩnh biệt Tâm" mà anh vừa thầm thì đọc bên mộ người con gái ấy! Trầm lặng giây phút, rồi anh đồng ý:
" Không! Không thể nào tin được...
Trời! Phu-la-nhích oai phong là thế,
Sao không cứu giúp em ta?...
Trường Sơn đâu phải thiếu hoa
Riêng em, anh cứ dâng tròn hai hàng lệ
Tâm ơi, sao em đi sớm thế
Trang thư hồng em mới gửi cho anh...
Thư đến tay chưa kịp trả lời
Ân hận lắm vì thư anh chưa đến
Có lẽ nào lại là lần cuối
Em đã đi rồi, ơi Tâm!
Mưa bỗng rơi xanh cỏ chỗ em nằm
Thôi ngủ ngon hỡi người thiếu nữ
Cây đàn tình chưa một phút căng dây!..."
Xin được kể và trích đôi câu thơ ở đây, để chúng ta cùng viếng người quá cố, cùng nhớ đến những mối tình thuỷ chung, son sắt của những người lính Trường Sơn...
TRƯƠNG THỊ HƯỞNG