CCB Nguyễn Xuân Thùy - Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Khánh Hòa mới đây có đơn kêu cứu gửi về Báo CCB Việt Nam phản ánh, ông là bị đơn trong vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” theo Thông báo thụ lý vụ án số 156/2016/TB-TLVA, ngày 22-4-2016 của TAND quận 12, T.P Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, kể từ ngày nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, đến nay sau 5 năm, vụ việc vẫn bị TAND quận 12 không đưa ra xét xử.

Theo ông Thùy cho biết, thì đây là vụ án dân sự thông thường. Bị đơn và nguyên đơn đều ở Việt Nam nên theo quy định của pháp luật, thời hạn chuẩn bị cho xét xử chỉ có 4 tháng và Chánh án TAND quận 12 được gia hạn thêm 2 tháng - tức là tổng thời gian trong vòng 6 tháng sẽ đưa vụ án ra xét xử. Thế nhưng, Tòa án “ngâm tôm”, cố tình kéo dài vụ việc không chịu đưa vụ án ra xét xử, gây ra rất nhiều khó khăn cho phía bị đơn trong suốt thời gian qua.

Trước đó, theo đơn và các tài liệu gửi kèm, ngày 26-6-2008, giữa ông Nguyễn Xuân Thùy và ông Nguyễn Đức Quang, sinh năm 1963, trú tại 269 Hoàng Hoa Thám, phường 13, quận Bình Tân có ký Hợp đồng đặt cọc để hai bên mua bán, chuyển nhượng cho nhau 2.026m2 đất ở tại khu phố 2, phường Thới An, quận 12, T.P Hồ Chí Minh. Nội dung hai bên giao dịch với giá 4,6 triệu đồng/m2. Tổng số tiền giao dịch là 9.322.200.000 đồng.

Tại hợp đồng đặt cọc hai bên giao kèo: Ngày 26-6-2008, ông Quang (Bên B) sẽ đặt cọc cho ông Thùy (Bên A) 538 triệu đồng. Ngày 2-7-2008, ông Quang chuyển tiếp 2 tỷ đồng cho ông Thùy.

Khi ông Thùy nhận đủ tiền cọc sẽ thực hiện thủ tục gộp 12 sổ đỏ thành 1 sổ đỏ cho ông Quang. Gộp sổ đỏ xong ngày nào thì tiến hành ký hợp đồng mua bán giữa hai bên qua công chứng và trả số tiền (cả tiền đặt cọc - PV) tương ứng với 90% giá trị hợp đồng mua bán, 10% còn lại sẽ thanh toán nốt khi ra được thông báo nộp thuế hoặc ra được sổ đỏ cho bên mua và ông Thùy sẽ tiến hành bàn giao mặt bằng cho ông Quang.

Ngoài thỏa thuận về giá cả, phương thức thực hiện cho việc mua bán lô đất, việc giao kèo về thuế lệ phí chước bạ, lệ phí công chứng khi làm hồ sơ mua bán… cũng được hai bên giao kèo khá rõ ràng.

Tại hợp đồng đặt cọc hai bên còn cam kết: Nếu bên bán không bán nữa sẽ đền gấp đôi số tiền đặt cọc; bên mua không thực hiện mua nữa sẽ mất số tiền cọc, hoặc số tiền đã giao trước đó. Và thời gian thực hiện hợp đồng đặt cọc là từ ngày 26-6-2008 đến ngày 26-10-2008 bên mua sẽ phải thanh toán hết tiền cho bên bán. Nếu chậm, quá thời gian trên là hủy hợp đồng và mất số tiền cọc, số tiền đã trả trước.

Đến ngày 12-8-2008, hai bên ký tiếp một phụ lục hợp đồng trong đó có sự thay đổi giao kết ở Hợp đồng đặt cọc là “không thực hiện gộp 12 sổ đỏ thành 1 sổ nữa, mà giữ nguyên trạng 12 sổ”; các điều khoản khác tại Hợp đồng đặt cọc ngày 26-6-2008 vẫn giữ nguyên giá trị…

Sau khi chuyển hơn 2,5 tỷ và hết thời gian hợp đồng đặt cọc như giao ước, hai bên không có liên lạc gì với nhau. Đến năm 2016, ông Quang bất ngờ đâm đơn khởi kiện ông Thùy ra TAND quận 12, yều cầu Tòa xử buộc ông Thùy phải tiếp tục thực các nội dung cam kết trong bản Hợp đồng đặt cọc ngày 26-6-2008 và Phụ lục Hợp đồng ngày 12-8-2008.

Tuy nhiên sự việc sau khi Tòa thụ lý đơn khởi kiện của ông Quang, đến nay vẫn không đưa vụ án ra xét xử khiến cho ông Thùy nhiều năm qua phải gõ cửa cầu cứu nhiều cơ quan. Trong quãng thời gian trên, ông Thùy còn nhiều lần yêu cầu TAND quận 12 đưa vụ án ra xét xử theo qui định của pháp luật hoặc không đưa vụ án ra xét xử thì phải có thông báo trả lời rõ ràng nguyên nhân, gửi về cho ông biết, chứ không thể ra văn bản thông báo thụ lý vụ án rồi sau đó... bỏ bâng!

Xin chuyển phản ánh của Doanh nhân CCB Nguyễn Xuân Thùy nêu trên tới TAND quận 12 và TAND T.P Hồ Chí Minh xem xét, trả lời cho ông Thùy và hồi âm cho Báo CCB Việt Nam biết kết quả giải quyết theo qui định của Luật Báo chí.

BBĐ