Vợ chồng CCB Nguyễn Kỷ - Hoàng Bảy dựng trống mới.

Thôn Thanh Nam, xã Diễn Hoàng (Diễn Châu, Nghệ An) vốn là làng Hoàng Hà xưa, lừng danh về nghề làm trống cổ truyền. Rất nhiều chuyện lý thú về Hội làng nghề Hoàng Hà giữ gìn, phát huy truyền thống quý báu của mình; trong đó có chuyện tình của ông Hội trưởng…

Duyên phận

Vợ chồng cụ Hoàng Phúc ở làng Hoàng Hà có 7 người con. Trưởng nam Hoàng Lưu sinh năm 1937. Gái út Hoàng Thị Bảy sinh 1954.

Út Bảy từ nhỏ đã yêu thích tiếng trống. Nhan sắc ngày càng mặn mà cùng những ký ức âm vang trống hội, trống trường, trống cổ vũ thi đua, trống báo động máy bay địch xâm phạm biển, trời Diễn Châu… Lên 15 tuổi, cô đòi được đến những nhà thuộc tộc Nguyễn - dòng họ làm trống duy nhất ở Hoàng Hà để học nghề… Nhưng bố mẹ không đồng ý, vì nghề trống vất vả cực nhọc.

Dòng Nguyễn tộc làm trống có chàng Nguyễn Kỷ sinh năm 1952, học cùng lớp với Út Bảy. Duyên trống đẩy đưa. Hai người đã “đầu mày cuối mắt” nhau từ hồi lớp 8 lúc ông 16 tuổi, còn bà mới qua “thập tam”. Năm 1971, cả hai tốt nghiệp lớp 10, út Bảy được anh trai trưởng Hoàng Lưu (y tá quân đội phục viên năm 1963) hướng nghiệp, thi vào Khoa sản Trường trung cấp Y T.P Vinh; tốt nghiệp nhận công tác tại Bệnh xá xã Diễn Lâm huyện nhà. Nguyễn Kỷ thì nhập ngũ. Do có thành tích xuất sắc trong huấn luyện tân binh, lại có chí tiến thủ nên năm 1979, anh đã là cán bộ Ban Tổ chức, Phòng Chính trị Sư đoàn 348, Binh đoàn 678, làm nhiệm vụ bên nước bạn Lào.

Lại nói, bao đời nay, người Nguyễn tộc Hoàng Hà chỉ truyền nghề làm trống cho con trai và con dâu. Ông Hoàng Lưu và ông Nguyễn Quý (bố đẻ của Nguyễn Kỷ) là bạn “cờ - ca - hoa - nhạc” nên rất tâm đắc chuyện chàng quân nhân biết làm trống từ năm 10 tuổi, là tay giữ gia nghiệp và cô y sĩ sản khoa yêu thích trống đã phải lòng nhau từ khi mới lớn ấy. Nghĩ điều “trai thời loạn”, cần có “phương án nhân sự” để giữ chắc nghề gia truyền… Thế nên, vào mùa Xuân đại thắng 1975, ở làng Hoàng Hà đã diễn ra đám cưới đầu tiên sau hòa bình. Nữ y sĩ sản khoa Hoàng Thị Bảy bên chàng Trung sĩ quân đội Nguyễn Kỷ, đẹp hơn tranh.

Tận tâm với nghề truyền thống

Nguyễn Kỷ cưới vợ xong lại biền biệt với việc quân. Út Bảy vừa công tác, vừa tranh thủ tiếp thu kỹ thuật làm trống, thay chồng giữ nghề. Bà trở thành người phụ nữ, gần như duy nhất, biết làm tất cả các loại trống cổ Hoàng Hà một cách thuần thục.

Bà Bảy thổ lộ: “Trống tốt là phải có hình thức đẹp. Tỷ lệ giữa đường kính của mặt trống với đường kính lưng trống phải đạt yêu cầu mỹ thuật. Tang trống bằng gỗ mít già, không cong vênh, lượng lõi càng nhiều càng tốt nhưng cần trải đều từ hai miệng trống đến lưng trống; độ kín gần như tuyệt đối và ổn định. Đạt được như thế đã rất khó. Nhưng, tang trống tạo hiệu ứng để âm thanh trống “no”, “tròn”, vang rền, không chói tai mới là cực khó! Đấy là bí quyết của nhà nghề bất biến qua bao đời. Ở chừng mực có thể nói ra được, là ví dụ cái cách làm mặt trống. Mặt trống Hoàng Hà được làm bằng da con bò gầy để cho bền và âm thanh chuẩn, hay (bò béo lắm mỡ, tục bì, phát âm đục). Da bò lột xong, mang căng phẳng và làm cho khô kiệt bằng phơi nắng. Không có nắng thì hơ lửa hoặc sấy nhiệt.

Khách hàng xứ Quỳnh Lưu thường đặt làm trống đường kính mặt từ 1,7m trở lên. Cả bộ da con bò hạng nhất mới vừa một mặt trống ấy. Thế là phải đến lò mổ thật sớm, chọn bò vừa ý, bỏ thêm tiền nhắc chủ lò bảo thợ lột da bò thì bảo tồn cái đuôi. Vì nếu khoét cái đuôi khỏi tấm da, chỗ khoét lõm không thể bù vá được, tấm da sẽ không đủ làm mặt trống thửa”.

Năm 1984, sau trận ốm nặng dai dẳng, hậu quả của một đợt công tác giữa thời tiết khắc nghiệt, bệnh binh Nguyễn Kỷ sau khi hoàn thành nhiệm vụ quân ngũ với Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, về quê làm Bí thư chi bộ, Xóm trưởng nhiều khóa. Ông ghé vai cùng lãnh đạo địa phương khơi sức dân, thúc đẩy nghề trống của làng Hoàng Hà phát triển. Sau ngày 23-12-2009 (ngày Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký bằng “Công nhận Làng nghề sản xuất trống truyền thống Hoàng Hà, xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đạt danh hiệu làng nghề Tiểu thủ công nghiệp”) thì ông được bà con quê hương bầu làm Hội trưởng Hội Làng nghề làm trống gia truyền Hoàng Hà. Trước đại dịch Covid-19, Sở VTTTDL Nghệ An về Hoàng Hà tổ chức “Làng vui chơi, làng ca hát”, có môn thi căng mặt trống, làm tang trống và đánh trống. Bà Bảy thuộc tốp đoạt giải cao nhất.

Hậu thế phát huy

Ba người con trai của ông bà Kỷ - Bảy, lúc nhỏ phụ giúp bố mẹ làm trống lấy tiền đi học hết cấp III, vào đại học. Giờ đây đều hưởng lương công chức, một người là sĩ quan trong lực lượng vũ trang. Tròn việc công sở, ba anh em lại tranh thủ cùng với vợ làm trống lấy tiền nuôi con ăn học, dựng nhà lầu, tạu xe hơi. Chàng rể thứ hai của ông bà chuyên mổ bò bán thịt. Việc giữ nguyên đoạn đuôi bò liền với tấm da để làm mặt trống cỡ lớn cho khách, nay trở thành đơn giản và là niềm vui hãnh diện của anh. Cả gia đình đã thống nhất, khi nghỉ hưu thì tập trung vào nghề trống gia truyền, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Bài, ảnh: Phạm Xưởng