Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của nhân dân ta đã đánh bại âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, nước ta tạm thời chia cắt trong hai năm, đến 1956 tiến hành Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Nhưng ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã phá hoại Hiệp định, dựng lên chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành căn cứ quân sự kiểu mới, làm bàn đạp tấn công miền Bắc và các nước XHCN.
Tháng 1-1959, Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ 15 (khóa 2) họp tại Hà Nội, do Hồ Chủ tịch chủ trì đã xác định: Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc, thiết lập chính quyền cách mạng. Chấp hành Nghị quyết 15, ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng quân uỷ giao nhiệm vụ cho Ban cán sự Đoàn công tác quân sự đặc biệt mở đường vận chuyển hàng quân sự vào Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. Ra đời vào tháng 5, Đoàn mang phiên hiệu 559, ngày 19-5 nhận nhiệm vụ cũng là ngày sinh nhật của Bác Hồ nên được xác định là Ngày truyền thống. Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Quân số ban đầu có 440 cán bộ, chiến sĩ, địa điểm tại Khe Hó (Quảng Bình). Để đảm bảo bí mật, Đoàn có khẩu hiệu và cũng là mệnh lệnh là: “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Sau một thời gian khắc phục khó khăn, gian khổ, soi đường, mở lối, tránh địch mà đi, ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên được gùi vượt Trường Sơn vào Liên khu 5 an toàn, gồm 20 khẩu tiểu liên Tuyn, 20 khẩu súng trường Mát, 10 thùng đạn tiểu liên và súng trường.
Đến năm 1975, Đoàn có 4 sư đoàn công binh và hơn 1 vạn TNXP, xây dựng hệ thống đường giao thông chiến lược từ Bắc vào Nam, Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia có chính diện 100 km, chiều sâu trên 1.200 km, trên địa bàn khoảng 130.000 km2, gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang liên hoàn, đồng bộ với tổng chiều dài 20.000 km, xây dựng và cải tạo 500 km đường sông, suối, hàng ngàn cầu cống và ngầm. Lực lượng vận tải có 2 sư đoàn xe ô tô, vận chuyển vào chiến trường hơn 2 triệu người, trên 1 triệu tấn vật chất kỹ thuật. Riêng trong mùa Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh đã tham gia và cơ động bằng ô tô 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn bộ binh. Lực lượng xăng dầu có 4 trung đoàn với trên 7.600 người, xây dựng 1.400 km đường ống từ Quảng Bình đến Bình Phước với 113 trạm bơm đẩy và 33 trạm cấp phát, cung cấp 61.064 tấn xăng dầu cho chiến trường. Bộ đội phòng không có 1 sư đoàn và 9 trung đoàn pháo cao xạ, tên lửa, bắn rơi 2.455 máy bay Mỹ bảo vệ tuyến đường. Một sư đoàn bộ binh chiến đấu ngăn chặn các cuộc hành quân của địch và bọn biệt kích, thám báo, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch. Ngoài ra, còn các lực lượng giao liên, thông tin, quân y, dân công hoả tuyến, báo chí, văn học và chuyên gia giúp bạn…
Đất nước thống nhất, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh, Binh đoàn 12 - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn lấy xây dựng cơ bản là chủ yếu, đa dạng hoá ngành nghề, đổi mới thiết bị và công nghệ hiện đại, tham gia xây dựng nhiều công trình giao thông, công nghiệp và dân dụng, là một doanh nghiệp kinh tế quốc phòng trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến chi viện chiến lược mà còn là một căn cứ chiến lược, một hướng chiến trường trọng yếu. Đồng thời là một thành công kiệt xuất của Đảng trong lãnh đạo chiến tranh cách mạng, thể hiện ý chí sắt đá, quyết tâm của dân tộc ta giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và tình đoàn kết quốc tế đặc biệt giữa Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia anh em. Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh còn là một huyền thoại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một kỳ tích của nhân loại trong thế kỷ XX.

Tô Kiều Thẩm