Sau những năm làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, CCB Lê Văn Hữu trở về quê hương Núi Thành (Quảng Nam) mở quán sửa chữa xe đạp và giúp vợ làm nông nghiệp, nuôi heo, bán háng tạp hoá nhưng mười năm lao động vất vả như thế cũng chỉ đủ ăn. Năm 1999, nhà nước có dự án "Phủ xanh đất trống, đồi núi trọc", anh nhận 5 ha trồng rừng. Năm 2001, thấy rừng của mình phát triển tốt, anh lại nhận trồng thêm 5 ha. Năm 2005, khu rừng trồng của anh được phép khai thác, anh lại dùng số tiền lãi mua tiếp hơn 10 ha nữa và ký hợp đồng với 2 công ty lâm đặc sản của 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi thu mua gỗ rừng trồng của anh và của cả bà con mà anh là đại diện. Trong vòng 3 năm đi vào kinh doanh với hình thức vừa khai thác rừng của gia đình, vừa mua gỗ rừng của nhân dân bán cho các công ty lâm đặc sản, anh đã thu lãi trên 1 tỷ đồng. Có vốn, anh lại mua đất, cho tới năm 2011, diện tích rừng trồng của Lê Văn Hữu đã lên đến 60 ha. Cũng từ năm ấy, hàng năm, gia đình anh thu lãi từ rừng và các nguồn thu khác như sắn, chuối, chăn nuôi tới 400 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho và 70 lao động thời vụ...

Kinh tế gia đình phát triển, để giúp đỡ bà con có hướng làm ăn, anh đã cho 14 hội viên CCB và 40 hộ dân vay 160 triệu đồng cùng làm giàu từ rừng như anh. Lê Văn Hữu còn là một doanh nhân rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Mấy năm qua, số tiền anh xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hoá, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, xoá nhà tạm và cứu trợ đồng bào bị thiên tai đã lên tới 250 triệu đồng.

Gia Minh