Đó là ý kiến nghe có vẻ trái chiều. Nhưng xin thưa, người phát ngôn câu nói đó là Anh hùng Lao động GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân-nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Ông đặc biệt nổi tiếng và có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như trong sự nghiệp giáo dục tại vùng này.
Dường như còn “lo” ý kiến của mình chưa thấu lên trên, cách đây mấy hôm ông còn nói: Nước mặn là bạn của nhà nông.
Theo GS Võ Tòng Xuân, gần 40 năm qua, Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để đắp đập ngăn mặn, xây cống, xây đê dẫn nước ngọt về sản xuất lúa rất tốn kém. Nhưng rất tiếc kết quả không đạt theo ý muốn: nước ngọt không bao giờ đủ cho cây lúa mà trái lại sự ngăn mặn đã ngăn luôn cơ hội cho các nông dân nuôi tôm khiến nông dân phải tự xoay trở rất khó khăn tìm cách để lấy nước mặn vào nuôi tôm, trồng cây ưa mặn.
Với quá trình theo dõi, nghiên cứu, ông cho rằng các dự án ngăn mặn, giữ ngọt cho ĐBSCL là lãng phí, không đem lại lợi ích kinh tế. Trong khi sản lượng lương thực của Việt Nam đã quá nhiều rồi, không nên tiếp tục trồng lúa tại các vùng nhiễm mặn nữa.
Chúng ta cần chuyển đổi những hình thức canh tác phù hợp, bền vững mà lợi tức cao như quy trình “lúa (mùa mưa) - tôm (mùa khô)” ở những vùng ven biển thường bị mặn xâm nhập; chỉ chuyên canh trồng lúa ở vùng ven sông, bãi bồi… Cách làm này vừa bảo đảm an ninh lương thực, lãi cao, bảo vệ môi trường bền vững, ít tốn kinh phí đầu tư của Nhà nước chống xâm nhập mặn, vừa không phí phạm lượng nước ngọt dành cho dân sinh và cho những cây trồng cao cấp như cây ăn trái, rau cải, hành tỏi...
Chỉ cần nối mạng in-tơ-nét “nhấn vài nốt chuột” nhìn rộng ra các nước khu vực có chung hoàn cảnh địa lý như Việt Nam để tham khảo, chúng ta sẽ yên tâm rằng ý kiến của GS Võ Tòng Xuân là hoàn toàn chính xác.
Hà My