Theo chân đoàn kiểm tra của Sở văn hóa và thể thao du lịch trong chuyển kiểm tra "du xuân" cho thấy: Cần siết chặt quản lý các lễ hội Thường mỗi mùa lễ hội, dư luận lại “dấy” lên nơi này, chỗ kia nảy sinh tệ nạn như cờ bạc trá hình, văn hóa phẩm cấm lưu hành, mất vệ sinh công cộng, bói toán…làm ảnh hưởng tới tính chất vốn rất văn hóa của lễ hội. Ngay từ đầu năm, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cùng những đơn vị liên quan về việc tổ chức các lễ hội năm 2012 trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp với các quận huyện, đơn vị liên qua thường xuyên kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội, xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân vi phạm. Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phường, xã tổ chức lễ hội đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm, vệ sinh sạch đẹp, văn minh tại nơi đón khách, nơi thờ tự, không để tái diễn việc bói toán, xóc thẻ, tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm cấm lưu hành, tổ chức trông xe không đúng quy định, chèn ép khách. Trong năm nay Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội sẽ thực hiện thanh, kiểm tra 21 lễ hội lớn và phối hợp cùng Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch kiểm tra nhiều lễ hội khác. Đánh giá chung về công tác tổ chức lễ hội năm nay, ông Nguyễn Sơn Hà, Phó Chánh Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội nhận xét: “Nhìn chung, công tác tổ chức lễ hội năm nay có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền địa phương có nhiều cố gắng trong công tác dẹp bỏ các tệ nạn cờ bạc trá hình, ăn xin, chèo kéo khách… và tổ chức lễ hội theo hướng tiết kiệm, lành mạnh, vệ sinh môi trường cơ bản sạch sẽ, quản lý tiền công đức thiếu minh bạch thường xảy ra ở nhiều lễ hội do vậy chúng tôi đã yêu cầu địa phương nghiêm túc khắc phục, sửa chữa”. **Vẫn còn nhiều tồn tại ảnh hưởng tới hình ảnh lễ hội ** Tại lễ hội chùa Thánh Chúa của phường Dịch Vọng và Mai Dịch (quận Cầu Giấy), mặc dù không có tệ nạn cờ bạc, bán văn hóa phẩm cấm lưu hành nhưng công tác tổ chức chưa thực sự văn minh. Đó là khi các đoàn tế đang tiến hành dâng hương, Ban tổ chức vẫn để người dân vào thắp hương trong chùa gây tình trạng lộn xộn. Ngay cả tiền giọt dầu của khách cũng để lộn xộn trên các ban thờ mà lẽ ra Ban quản lý phải hướng dẫn người dân bỏ đúng quy định hoặc làm công tác thu gom vào các hòm công đức. Khu vực sắp lễ của khách trong ngày hội được đặt ngay sân chùa, ít nhiều ảnh hưởng tới không gian lễ hội và việc đi lại của khách. Ngay cả công tác trang trí lễ hội chưa thực sự đẹp, khơi dậy không khí tưng bừng, trang trọng của hoạt động văn hóa, tín ngưỡng này. Nếu nói tới sự lộn xộn trong công tác quản lý tiền giọt dầu có lẽ phải kể tới di tích đình Bia Bà - La Khê (quận Hà Đông). Do lượng khách khắp nơi đổ về rất đông, vì vậy tiền giọt dầu đặt cúng lễ tràn lan khắp nơi, không theo quy định mặc dù các hòm công đức khá to đặt ngay ban thờ. Không những thế, nơi này còn xuất hiện đội ngũ những người khấn thuê, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của khách. Ngay tại các chậu cây ngoài sân đình, dân chúng còn rắc muối gạo xung quanh gốc cây, mốc trắng cho dù Ban quản lý di tích đặt cả tấm biển cấm rắc muối gạo vào đó. Lẫn trong dãy hàng quán lối ra cổng, còn có một cụ ông xem tử vi, bói toán cho khách. Theo đoàn thanh tra văn hóa của Bộ và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội kiểm tra lễ hội tại chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất chúng tôi thấy xảy ra rất nhiều bất cập ở ngôi chùa độc đáo này. Hơn một tháng qua, chùa Tây Phương đã đón 35.000 khách thời chiêm bái, lễ Phật; nhưng cũng do lượng khách đông nên các dịch vụ ăn theo phát triển tràn lan. Vài năm trước, huyện Thạch Thất đầu tư trên 3 tỷ đồng xây dựng khu dịch vụ bán hàng nhưng tới nay, khu hàng quán này vẫn bỏ không và dân vẫn bày bán ngay tại lối vào và trên đường lên chùa. Dĩ nhiên, khi người dân không có ý thức chấp hành nên tình trạng chèo kéo khách, bán các ấn phẩm văn hóa không được phép lưu hành vẫn diễn ra. Mặc dù chính quyền địa phương, ban quản lý di tích đã giữ vệ sinh môi trường nhưng rác thải vẫn bừa bãi tại khu vực chân chùa. Tại thời điểm kiểm tra, ngay tại cổng chùa là một hòm công đức, cùng một mâm gạo, bát hương do một cụ già đứng trông và mời công đức. Theo giải thích của mọi người, đó là người của chùa khác trong thôn mời công đức xây dựng chùa. Ông Nguyễn Văn Tảo, Phó trưởng phòng Thanh tra Văn hóa của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẳng định: “Việc huy động công đức như vậy là thiếu mỹ quan, gây phản cảm cho khách vì vậy địa phương cần giải quyết ngay. Ngay cả hàng quán bày bán tràn vào cả khu vực 1 của chùa và việc bày bán ấn phẩm không được phép lưu hành cũng cần dẹp bỏ”. Như vậy, với trên 1000 lễ hội, việc quản lý cũng như tổ chức hoạt động văn hóa tín ngưỡng này theo đúng quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nghe ra vẫn còn nan giải cần đòi hỏi ý thức và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý và ý thức của mỗi người dân. Hải Anh (TH)