Triển vọng mới cho du lịch ĐBSC
Điểm nhấn của chương trình là hàng loạt các hoạt động hấp dẫn được triển khai phục vụ người dân cùng du khách, đặc biệt, đêm khai mạc với chủ đề “Bay cao khát vọng chín rồng” tái hiện chuỗi câu chuyện mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống vùng ĐBSCL... Trong khuôn khổ sự kiện diễn ra nhiều hội nghị, hội thảo quan trọng như “Liên kết phát triển du lịch xanh khu vực ĐBSCL” bàn việc phát triển du lịch ĐBSCL theo hướng bền vững, góp phần hỗ trợ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh vùng ĐBSCL” tập trung giải quyết những khó khăn trong công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch thời gian qua; tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm, tìm hiểu các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch, hội thảo “Áp dụng nhãn sinh thái Bông sen xanh trong hệ thống cơ sở lưu trú tại Việt Nam”... Nhiều hành trình du lịch cũng được các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh khai thác và chào mời, dẫn dắt du khách khám phá văn hóa, lịch sử và thiên nhiên với những hành trình tham quan miệt vườn bạt ngàn cây trái, những đồng lúa trải dài, tham gia vào các hoạt động, sinh hoạt của người dân vùng sông nước để giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất và con người phương Nam chân chất, hiền hòa, hiếu khách cùng các phiên chợ nổi trên sông độc đáo… ĐBSCL có tiềm năng phát triển du lịch. Trong những năm qua du lịch của vùng có nhiều tiến bộ hấp dẫn, du khách đến ĐBSCL chiếm trên 50% của cả nước, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của vùng giảm xuống… Thông qua tuần lễ Du lịch xanh, các địa phương cần có giải pháp tận dụng tốt các ưu thế hiện có, tăng cường liên kết, xây dựng các điểm du lịch; xây dựng thương hiệu du lịch, có tính cạnh tranh cao, đa dạng nhiều loại hình sinh thái, nghỉ dưỡng, nghệ thuật, triển lãm…

Đánh thức tiềm năng
ĐBSCL không những là vùng nông sản trù phú, mà còn giàu tiềm năng trong phát triển du lịch, là một trong 7 vùng du lịch đặc trưng trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020. ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc, từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm trên thế giới như: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tràm Chim, Phú Quốc… đây là những tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch sinh thái. Với nhiều ưu đãi của thiên nhiên, vùng ĐBSCL được biết đến là vùng đất hiền hoà, khí hậu mát mẻ, cây lành trái ngọt và nhiều sản vật thiên nhiên ban tặng. Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2014, toàn vùng ĐBSCL đã đón hơn 22,4 triệu lượt khách du lịch, tăng 8,3% so năm 2013, doanh thu du lịch đạt hơn 6.300 tỷ đồng, tăng gần 24%, trong đó, có gần 2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10% so với năm 2013. Trong 6 tháng đầu năm nay, đã có hơn 10 triệu lượt du khách đến với vùng đất này, dự báo số lượng du khách đến với ĐBSCL năm 2015 có thể tăng đến hơn 10% so với năm 2014 vì có nhiều sản phẩm du lịch, nhiều tuyến hàng không được mở mới và việc đi lại thuận tiện hơn. Trong thời gian gần đây, du lịch ĐBSCL đón nhận nhiều tin vui: Khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao Vinpearl Phú Quốc (Kiên Giang) và khách sạn 5 sao Mường Thanh-Cần Thơ đi vào hoạt động. Trước đó, Vietnam Airlines mở đường bay Phú Quốc - Xin-ga-po và Phú Quốc-Xiêm Riệp (Cam-pu-chia). Rồi VietJet mở đường bay Cần Thơ-Đà Nẵng, Vasco phối hợp với Vietravel mở đường bay Cần Thơ-Đà Lạt. Nhiều địa phương khác như An Giang thu hút du lịch bằng việc đầu tư dự án cáp treo, xây dựng tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm, xây dựng tượng Phật Thích Ca trên núi Sam; tỉnh Bạc Liêu xây dựng khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Nhà hát Ba Nón Lá, khu du lịch Nhà Mát… nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đã thu hút được các dự án phát triển du lịch. Đây cũng là cơ hội để các tỉnh, thành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường mối quan hệ liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, trong đó trọng tâm là phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.
Bài và ảnh: Phương Nghi