"Siêu dự án"...nghìn tỷ!
Đầu năm 2105, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư Dự án Khu công viên nghĩa trang Thiên An Viên. Dự án này sau đó được giới thiệu sẽ trở thành công viên nghĩa trang lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.
Theo thiết kế, dự án sẽ được triển khai xây dựng trên diện tích 118ha đất tại phường Khai Quang, xã Định Trung, TP. Vĩnh Yên và một phần đất thuộc xã Kim Long, huyện Tam Dương. Toàn bộ diện tích xây dựng nằm trọn trên diện tích đất của Công ty TNHH Kim Long được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao để trồng cây công nghiệp và cây ăn quả từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Dự án khi triển khai xây dựng sẽ được chia thành 5 khu: Khu mộ phần, khu công viên cây xanh, khu tâm linh, khu cây xanh mặt nước, khu hành chính dịch vụ kỹ thuật. Đáng chú ý, dự án được chủ đầu tư xây dựng Đài hóa thân trên diện tích 2.050m2, sử dụng thiết bị hỏa táng của Thụy Điển theo công nghệ lò đốt điện tiên tiến nhất hiện nay, không phát sinh khói bụi và mùi, đảm bảo môi trường. Một nhà tang lễ hiện đại cũng sẽ được xây dựng trên khu đất có diện tích 480m2…
Ông Đường Ngọc Sơn-Giám đốc công ty TNHH Kim Long cho biết: Chủ trương thực hiện dự án Khu công viên nghĩa trang Thiên An Viên là hoàn toàn đúng đắn. Theo ông Sơn, khu vực xây dựng công viên nghĩa trang nằm cách xa khu dân cư và toàn bộ diện tích lấy vào để xây dựng là thung lũng, đồi đất bạc màu, cây trồng không cho hiệu quả kinh tế cao. Khi tỉnh có chủ trương cho Công ty Phúc Sơn vào triển khai dự án, Công ty Kim Long đã ký biên bản thỏa thuận bàn giao đất cho chủ đầu tư, và cũng đã nhận một phần tiền đền bù giải phóng mặt bằng từ chủ đầu tư dự án.
**
** Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, hiện dự án đang được UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng triển khai để chờ Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Điều đáng nói, việc dừng triển khai này chỉ được đưa ra khi thông tin từ báo chí và dư luận nhân dân ở TP. Vĩnh Yên lên tiếng về dự án đã thực hiện sai quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ đã duyệt. Cụ thể, tại Mục g, Điều 8, Quyết định số 1183/QĐ-TTg do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 26-10-2011 về “Định hướng xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến năm 2030” có nêu việc xây dựng nghĩa trang tại Vĩnh Phúc: “Nhu cầu xây dựng đến năm 2030 là 200ha; địa điểm xây dựng: Khu vực huyện Tam Đảo 100ha; Khu vực huyện Bình Xuyên 100ha”...
Như vậy theo quyết định 1183 thì việc xây dựng Khu công viên nghĩa trang Thiên An Viên không hề nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thế nhưng, điều lạ là ngày 11-2-2015, ông Nguyễn Văn Chúc-Phó chủ tịch UBND Vĩnh Phúc vẫn ký, cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 19121000666 cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn để thực hiện dự án?
Để làm rõ những vấn đề trên, phóng viên đã liên hệ với ông Bùi Minh Hồng-Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tuy nhiên ông Hồng chỉ cung cấp cho phóng viên duy nhất 1 văn bản đã được soạn sẵn để gửi các cơ quan báo chí mà không kèm theo bất cứ một hồ sơ, tài liệu nào có liên quan đến sự việc. Khi được đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến dự án, thì vị Chánh văn phòng này cho biết: "Lãnh đạo tỉnh chưa đồng ý cung cấp".
Vì sao dự án bị tạm dừng?
Theo tài liệu riêng mà phóng viên có được trong quá trình tìm hiểu về dự án, thực tế việc ông Nguyễn Văn Chúc-Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Phúc Sơn cũng đã được chính doanh nghiệp này thừa nhận và gửi văn bản đến Thường trực Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc xin tạm dừng dự án để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.
Tại Văn bản số 5254 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc gửi Thường trực Tỉnh uỷ ngày 24-8-2015 cũng giải thích việc vì sao dự án được chuyển địa điểm đến phường Khai Quang (Vĩnh Yên). Đồng thời văn bản này cũng khẳng định việc xây dựng nghĩa trang cho đô thị Vĩnh Phúc là cần thiết... Và dự kiến địa điểm xây dựng nghĩa trang mới bố trí ở phường Khai Quang-TP. Vĩnh Yên.
Lý giải cho vấn đề bố trí mới này, văn bản 5254 đề cập đến khu vực xây dựng có nhiều thuận lợi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, địa hình cảnh quan đẹp, thuận lợi giao thông đối ngoại, không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp phong tục, tập quán địa phương và đáp ứng nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng của nhân dân...
Chính vì nguyên nhân này nên ngày 6-2-2015, Thường trực Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã họp và có Thông báo số 1698-TB/TU, đồng ý chủ trương xây dựng Khu công viên nghĩa trang tại phường Khai Quang, TP. Vĩnh Yên theo đề xuất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, trong công văn 5254 có đề cập đến chi tiết dự án đã trình rất nhiều cơ quan, ban ngành có liên quan xem xét, nhưng đến nay Khu công viên nghĩa trang Thiên An Viên mới chỉ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và xác định phạm vi để nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết, chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết, chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa quyết định thu hồi đất, giao đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, các cơ quan của tỉnh chưa cho phép nhà đầu tư triển khai xây dựng…
Như vậy có thể khẳng định dự án Khu công viên nghĩa trang Thiên An Viên đang làm các thủ tục đầu tư theo quy định và chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hay không chấp thuận bổ sung quy hoạch xây dựng nghĩa trang ở TP. Vĩnh Yên, nhưng ông Nguyễn Văn Chúc-Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã "nóng vội" ký, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Phúc Sơn thực hiện dự án.
Theo luật sư Đào Thị Liên thuộc Công ty Luật Tiền Phong-Hà Nội cho biết, việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư này là không đúng trình tự. Bởi theo Khoản 3, Điều 8 Nghị định số 35/2008/NĐ-CP quy định nguyên tắc về quy hoạch và sử dụng nghĩa trang quy định “Tất cả các nghĩa trang đều phải được quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Khoản 1, Điều 11 cũng quy định khi “Xây dựng mới hoặc mở rộng nghĩa trang phải tuân theo quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Và tại Điều 2 Nghị định số 35/2008/NĐ-CP quy định hoạt động xây dựng nghĩa trang thực hiện theo trình tự: lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng...
Do đó để khắc phục vấn đề này quy định của pháp luật hiện hành xử lý trường hợp cơ quan nhà nước ban hành quyết định sai, thì tại Khoản 3, Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính hướng dẫn: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền”-luật sư Liên nói.
Bài và ảnh: Chính Nhi-Thanh Nghĩa