Thuyền tam bản chở các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô sang bãi giữa sông Hồng.

Sau một loạt những chiến công trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai ở Hả Nội, đêm 17-2-1946, tự vệ và nhân dân Tứ Tổng (khu B - nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, T.P Hà Nội), được huy động gấp rút mang 44 chiếc thuyền tam bản chở các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô sang bãi giữa sông Hồng. Những chiếc thuyền vun vút lao trên sông trong sương mù dày đặc từ bãi Tam Lạc sang bãi Tàm Xá an toàn. Sau đó, du kích Tứ Tổng còn tổ chức trận đốt kho dầu của Pháp ở phố Hàng Tre.

Thực tế, việc chi viện tích cực cho các cuộc càn quét của địch rất cần đến xăng dầu để bảo đảm cho cơ giới cơ động quân địch. Những cuộc càn của địch nống ra ven đô và các tỉnh thành lân cận T.P Hà Nội, lực lượng cơ giới của địch rất lợi hại. Muốn triệt nguồn cung cấp xăng dầu, phía ta phải đốt phá các kho chứa xăng dầu của chúng, nhằm tiêu hao năng lượng khiến chúng giảm tần suất các cuộc càn quét vây bắt. Kho xăng dầu của địch đặt gần quận Trấn Tây lúc bấy giờ là kho dầu phố Hàng Tre. Đây là một kho xăng dầu lớn, cung cấp rất nhiều nhiên liệu cho xe cơ giới thuộc lực lượng quân đội của địch.

Sau một thời gian trinh sát, điều tra nắm chắc tình hình bố phòng, hoạt động của kho xăng dầu Hàng Tre, cuối năm 1947, lực lượng biệt động thành của quận Trấn Tây lập phương án đánh kho dầu này. Đây là một kho xăng dầu nằm trong khu phố cổ, đông dân, được bảo vệ cẩn thận, có lính canh vùng ngoài, bảo an vùng trong. Muốn đột nhập vào được trong kho, phải làm tốt công tác địch vận. Phía ta cử người vào trong đó móc nối với những bảo vệ kho dầu. Được tuyên truyền giác ngộ, hầu hết số anh em bảo vệ chấp nhận phối hợp với du kích đốt phá kho dầu này.

Theo như kế hoạch đã vạch ra, người trong kho dầu làm nội ứng; khi có lệnh là chấp nhận để du kích của ta đột nhập vào trói họ lại, chỉ khi nào kho dầu bốc cháy to mới báo động. Lực lượng tham gia trận đánh được tổ chức thành 3 mũi. Hai mũi làm nhiệm vụ chốt chặn bọn địch truy đuổi, một nhóm trực tiếp đánh kho dầu xong sẽ  rút ra. Chốt thứ nhất ở ngã ba Yên Phụ, chốt thứ hai ở gầm cầu Long Biên. Nhóm trực tiếp đánh kho dầu hôm ấy là các ông Nguyễn Duy Kỳ, Phạm Văn Viết, Phạm Văn Thư, Nguyễn Gia Phong thuộc Đội du kích Tứ Tổng.

Kế hoạch cụ thể là đúng 21 giờ ngày 12-12-1947, ba nhóm xuất quân từ khu A - Tứ Tổng vào nơi tập kết. Tất cả ém quân chờ lệnh, đúng 23 giờ hôm đó, ta đột nhập vào kho dầu và phát hỏa. Trận đánh hôm ấy của du kích Tứ Tổng rất mạo hiểm. Về phía ta, vũ khí rất thô sơ, ít ỏi; nhóm trực tiếp vào đốt phá kho dầu chỉ được bộ đội biệt động thành trang bị cho 1 quả đạn pháo 75 ly lấy được của địch. Muốn cho quả đạn nổ được, không có cách nào khác phải trực tiếp ném nó vào nơi đã có lửa cháy. Đánh kiểu đó rất nguy hiểm; người đánh có thể hy sinh tính mạng. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là làm sao khi đốt kho dầu, không làm thiệt hại các nhân viên bảo vệ nhận làm nội ứng cho ta, nhất là khi ta rút đi, họ không bị địch nghi ngờ...

Trận đánh diễn ra rất đúng như kế hoạch. Khi ta đột nhập vào kho dầu, anh em bảo vệ đã tự bịt mặt xông ra trói tên lính canh gác vòng ngoài, sau đó họ để cho anh em ta trói lại, giam vào một nhà kho an toàn. Tiếng nổ của quả đạn pháo 75 rung chuyển cả vùng đầu cầu Long Biên. Lửa bốc cháy ngùn ngụt. Hoàn thành nhiệm vụ, nhóm trực tiếp đánh kho dầu rút ra êm lẹ, an toàn. Địch không biết bên ta rút quân hướng nào, nên hai nhóm chốt chặn địch ở Yên Phụ và Long Biên cũng không phải ra tay.

Kho dầu hôm đó cháy đến gần sáng mới tắt hết. Toàn bộ kho dầu cháy không còn một giọt. Bọn địch hoang mang, chúng tưởng đây là một trận đánh của Biệt động thành, chứ đâu ngờ là của du kích Tứ Tổng. Từ trận đánh hết sức ý nghĩa này, bộ đội Biệt động thành đã biểu dương và cùng du kích Tứ Tổng rút kinh nghiệm tại chỗ. Thành công trên nhờ trước hết là sự dũng cảm, mưu trí, biết phối hợp hai mũi giáp công là địch vận và dân vận. Dân vận là hai nhóm du kích ém quân ở Yên Phụ và gầm cầu Long Biên đã được nhân dân chở che cho ẩn nấp. Địch vận là giác ngộ được người phía địch làm nội công cho ta. Bên cạnh đó còn rút ra bài học tính nhân văn, nhân đạo của bộ đội và du kích của ta. Không thực hiện trận đánh với bất cứ giá nào, kể cả đột nhập và tiêu diệt toàn bộ những người phía bên kia, bảo toàn cho họ con đường sống, mà phía ta vẫn hoàn thành nhiệm vụ thực thi trận đánh xuất sắc. Trận đánh có một không hai của du kích Tứ Tổng sẽ mãi mãi đi vào lịch sử chiến tranh nhân dân của Tứ Liên nói riêng của Hà Nội nói chung.

Năm 2018, Đảng bộ và nhân dân Tứ Tông - Tứ Liên được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời chống Pháp.

Minh Nguyệt

(ghi theo lời kể của ông Nguyễn Gia Phong - nguyên Xã đội trưởng Tứ Tổng, quận Trấn Tây, tham gia trận  đánh kho dầu Hàng Tre tháng 12-1947).