Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các DN Việt Nam phải chiếm lĩnh chính địa bàn của mình. Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam hay hàng Việt Nam phải chinh phục thị trường Việt Nam. Nếu quên thị trường này, chúng ta sẽ thất bại. Muốn đất nước giàu mạnh thì dân phải giàu. Đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng DN yếu kém. Trên tinh thần đó, các cơ quan chức năng, các địa phương cần có chương trình phát triển, tạo điều kiện cho DN phát triển. Các số liệu thống kê cho thấy, hiện nay khu vực kinh tế tư nhân có 85% doanh nhân trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 48-49% GDP. Mục tiêu đến năm 2020, cả nước có trên 1 triệu DN, trong đó chủ yếu là DN tư nhân, trong khi chúng ta đang thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp các DN nhà nước. Đến năm 2025, phấn đấu có 1,5 triệu DN và đến 2035 chúng ta có khoảng 3 triệu DN, chiếm khoảng 60-65% GDP. Sau một năm triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ, trong năm 2016, số DN đăng ký thành lập mới là 110.100 đơn vị, với số vốn đăng ký trên 900 nghìn tỷ đồng, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay. 4 tháng đầu năm 2017 có gần 40.000 DN thành lập mới, với vốn đầu tư 369 nghìn tỷ.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, kể từ Hội nghị Thủ tướng với DN tổ chức ngày 29-4-2016, đến hết tháng 1-2017, VCCI đã tập hợp được 421 kiến nghị của các DN, hiệp hội DN trên cả nước. Trong đó 320 kiến nghị được VCCI tập hợp và gửi tới các bộ, ngành trả lời. Điều đáng mừng là hơn 90% kiến nghị được các bộ, ngành địa phương chủ động xử lý. Ngoài ra từ tháng 2-2017 VCCI cũng tập hợp thêm 188 kiến nghị mới và hy vọng các kiến nghị này sẽ được lắng nghe, xử lý trong dịp này.
Dù nhiều cải thiện trong thông điệp của Chính phủ hành động, nhưng một năm qua, DN vẫn nơm nớp nỗi lo việc thực hiện chính sách kiểu “sớm nắng chiều mưa”; là tình trạng DN đang chịu gánh nặng những chi phí chính thức và cả không chính thức, dù chi phí này đã giảm xuống từ 25% năm 2015 xuống còn 18,8% trong năm 2016 nhưng điều này đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của DN. Về phía công chức, dù có quy định rõ ràng nhưng do khâu thực thi kém, cán bộ có “lộng hành”, cán bộ thờ ơ, chưa coi DN là đối tượng phục vụ, lương bổng thấp nhưng đạo đức công vụ cũng thấp dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu. Trong khi đó, bản thân DN cũng chưa nhận thức đủ về nền kinh tế thị trường, một số DN chấp nhận chung chi để được việc. DN mong muốn được phát triển bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Nắm bắt được những tồn tại đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo khi xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần 1 năm đối với DN. Và đặc biệt là hoạt động thanh tra, kiểm tra không được làm cản trở hoạt động bình thường của DN. Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng và người ra quyết định thanh tra, kiểm tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất của mình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phải thường xuyên giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp gây khó khăn, sách nhiễu DN. Quá trình thanh tra phải theo đúng thẩm quyền về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra. Nếu để xảy ra sai phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.
Lắng nghe ý kiến của các doanh nhân, giải quyết nhanh chóng mọi vướng mắc, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 lần này thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, đồng hành cùng DN, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho DN.
Bài và ảnh: Huy Linh