Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp.
Cùng với các vùng miền trên cả nước, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL thời gian qua đạt được những kết quả đáng khích lệ, nâng tầm sản phẩm đặc trưng tại các địa phương trong vùng, tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Phát huy lợi thế các sản phẩm OCOP
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, các sản phẩm phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Đến nay, vùng ĐBSCL có số lượng sản phẩm OCOP đứng thứ 3 cả nước, với 1.270 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Các địa phương trong vùng đã phát huy lợi thế của các sản phẩm vùng miền, gắn với thế mạnh như lúa gạo, trái cây, thủy sản, du lịch sinh thái... để lựa chọn, tập trung phát triển các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của từng địa phương. Sản phẩm OCOP của vùng từng bước hình thành chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 382 sản phẩm OCOP, trong đó có 93 sản phẩm đạt 4 sao, 289 sản phẩm đạt 3 sao; là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP được công nhận dẫn đầu vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trong thời gian qua, tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển với quan điểm sản phẩm OCOP là kết tinh của chuỗi giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng trên nền tảng tài nguyên bản địa. Bởi đây là tính sáng tạo và tài hoa trong tay nghề của người dân Đồng Tháp. Theo đó, nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của Đồng Tháp vào được hệ thống siêu thị lớn như Big C, Vin Mart, Bách hóa xanh... Còn có hơn 300 sản phẩm của 60 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất lên sàn thương mại điện tử...”.
Tỉnh Hậu Giang hiện có 105 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh (có 2 sản phẩm thăng hạng 4 sao đủ điều kiện dự thi sản phẩm 5 sao của T.Ư), với tổng số 49 chủ thể đăng ký tham gia. Các sản phẩm OCOP tập trung vào một số mặt hàng nông sản chủ lực như: Cá thát lát, dứa Cầu Đúc, mướp đắng rừng, trái cây (chanh không hạt, mít, bưởi, mãng cầu xiêm…).
Ông Huỳnh Thành Hữu - Phó chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Hậu Giang nhận định: “Với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực từ các ngành, địa phương nên chương trình OCOP đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ khi không ít chủ thể thực hiện OCOP là người dân, HTX và doanh nghiệp tham gia tích cực. Ngoài ra, để hỗ trợ người dân cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, truy xuất nguồn gốc, cũng như xây dựng các vùng nguyên liệu và thực hiện mô hình sản xuất an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Nhờ vậy, các sản phẩm nông sản khi được công nhận OCOP cấp tỉnh đều có bao bì, mẫu mã hàng hóa rất đẹp, bắt mắt người tiêu dùng”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần - Trưởng khoa Phát triển nông thôn, Trường đại học Cần Thơ: “Để tạo được sức lan tỏa trong người dân thì một trong những điểm nổi bật khi triển khai chương trình OCOP là các địa phương đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của mình về những sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn. Bên cạnh đó, các địa phương từng bước chuyển đổi sản xuất từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp... Đặc biệt, nhiều địa phương vùng ĐBSCL thực hiện chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển chuỗi liên kết giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, hình thành các sản phẩm tích hợp “đa giá trị” theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT”.
Đưa sản phẩm OCOP cất cánh vươn xa
Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết: Để sản phẩm OCOP của tỉnh được bay xa hơn, thời gian qua An Giang tổ chức nhiều hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Hiện Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng thực hiện giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng tham gia các chương trình như Đề án “Ứng dụng giải pháp bán hàng thông minh cho các nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh”, tham gia bán hàng trên “Gian hàng Việt trực tuyến”, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử... từ đó giới thiệu một số sản phẩm đạt OCOP của tỉnh như đường thốt nốt Palmania, trà xạ đen, trà mãng cầu, mắm cá chao cá mè vinh ông Ba Lộc, xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo, mật ong… tại điểm bán sản phẩm OCOP - Khu Grand World Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Để có sản phẩm đạt chuẩn, sản phẩm chế biến chuyên sâu, sản phẩm truyền thống gắn với tiềm năng lợi thế như gạo, trái cây, thủy sản…, Ngành Công thương đã sát cánh cùng các doanh nghiệp, hỗ trợ hình thành các phương án kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề, nâng cao năng lực phát triển sản phẩm OCOP.
Theo ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng: Chương trình OCOP tạo được sự lan tỏa rộng khắp, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân nông thôn. Các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thấy được lợi ích của Chương trình OCOP nên tích cực, chủ động tham gia. Nhờ đó, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP có chiều hướng tăng lên. “Để sản phẩm OCOP của Sóc Trăng được bay xa hơn, trong thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP và tổ chức nhiều hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP...” - ông Chiêu thông tin thêm.
Phương Nghi