Cách đây vừa tròn 41 năm, ngay sau cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc - tháng 2-1979, đơn vị chúng tôi lật cánh chuyển toàn bộ đội hình từ tỉnh Lai Châu sang địa bàn tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) làm nhiệm vụ cơ động của Quân đoàn.

Cơ quan Sư đoàn đóng quân ven quốc lộ 70. Đó là một khu vực bằng phẳng, có núi đá bao quanh xen lẫn rừng già. Từ trên đỉnh núi, thác nước như làn mây trắng chảy dài xuống thung lũng tạo thành con suối uốn lượn quanh doanh trại của cơ quan.

Ngày ấy kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống của bộ đội thiếu thốn đủ bề. Bữa ăn thường chỉ là bánh mỳ luộc, cơm trộn bo bo và ngô. Rau do tăng gia tự túc, đậu phụ do bộ phận nuôi quân tự làm. Có được cá khô rán mỡ bơ là sang lắm rồi, ấy là những khi có khách của cấp trên xuống.

Mỗi khi có tiếng lợn kêu, cả cơ quan lại vui nhộn hẳn lên, chắc là hôm nay lại có lòng lợn và “nước suýt” đây. Rất may là nơi đóng quân, khí hậu, đất đai thích hợp với việc tăng gia sản xuất, trồng ngô, thả cá, chăn nuôi lợn và gia cầm… thiên nhiên ưu đãi một cách hào phóng; chỉ cần chăm chỉ, chịu khó một chút là đời sống của bộ đội một phần được cải thiện hơn.

Ngày ấy, hàng ngũ cán bộ Trưởng, Phó ban của Sư đoàn đều còn trẻ, tuổi đời trên dưới ba mươi; cá biệt mới có người nhập ngũ năm 1954, lại có người là lính nghĩa vụ năm 1959. Trẻ là vậy nhưng hầu hết anh em đều đã dạn dày trận mạc, từng lăn lộn trên chiến trường Bắc Lào, lại có vinh dự được trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đánh trận mở màn Buôn Ma Thuột và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần xứng đáng vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Và cũng những cán bộ này lại vừa trải qua cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược  với biết bao gian khổ hy sinh.

Tuy khó khăn về đời sống vật chất là vậy, nhưng chúng tôi đều đã vượt qua; Song những thiếu thốn về văn hóa tinh thần thì quả là khó khắc phục.

Ngày ấy Sư đoàn chưa có ti vi, mỗi phòng ban chỉ được trang bị một đài bán dẫn VEC206 do Liên Xô sản xuất để nghe tin tức. Báo chí thì phải một tuần mới đến nơi. Thư  viện, phòng đọc, sách, báo không được đầy đủ, các thiết chế văn hóa nghèo nàn. Văn công Quân khu mỗi năm lên biểu diễn một lần. Sư đoàn có một đội điện ảnh, hằng tháng anh em về Phát hành phim Quân đội đổi phim nhưng thường không được phim mới, phim hay. “Đói” văn hóa lắm.

Một hôm Đại tá Đào Trọng Lịch - Sư đoàn trưởng cho gọi tôi lên:

- Các nhà Tuyên huấn, nghe nói ở Phố Lu đang chiếu phim hay lắm, “X.30 phá lưới”, rồi “Đến hẹn lại lên” có cô Nết xinh lắm. Làm thế nào để cơ quan được xem không?

Suy nghĩ một thoáng tôi mạnh dạn trả lời:

- Báo cáo Thủ trưởng, có thể được ạ. Nhưng phải có kinh phí và xăng dầu để anh em đi thuê và trả phim. Và chúng ta phải xem đêm vì rạp chiếu bóng phải kinh doanh, chiếu xong hai ca, từ 22 giờ trở đi mới đến lượt mình.

Sư trưởng gật gù:

- Được thôi, miễn có phim hay là được. Rồi anh quay máy gọi ngay cho Ban Tài vụ, Ban Xăng dầu nhắc họ đảm bảo theo yêu cầu của Ban Tuyên huấn.

- Còn gì nữa không? - anh quay sang hỏi tôi.

- Dạ hết rồi ạ.

- Thế thì về thực hiện ngay từ tối nay, cố gắng nhé.

Được Sư đoàn trưởng quan tâm, tối nào tôi cũng cho anh em điện ảnh ra Phố Lu, chờ họ chiếu xong buổi hai, là nhận phim chạy hộc tốc về Sư đoàn bộ. Ở nhà phông màn đã dựng sẵn, chỉ cần nghe tiếng xe phim và tiếng máy nổ là không ai bảo ai từ Thủ trưởng đến chiến sĩ, người cầm ghế, người cầm chiếu hối hả lên sân Sư đoàn xem phim, tiếng cười vui râm ran, đánh thức cả cánh rừng.

Biết được chuyện ấy, một số đơn vị trực thuộc ở gần Sư bộ điện cho tôi xin được xem ca hai, ca ba; ca nào cũng được. Trong cái khó ló cái khôn, được Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn đồng ý, ngay sau khi phục vụ cơ quan sư đoàn xong, anh em điện ảnh lại đi chiếu phục vụ tiếp các đơn vị, có khi phải đến năm, sáu giờ sáng hôm sau. Rồi lại vội vã mang phim ra trả để họ kịp về Hà Nội đổi phim mới. Mỗi lần như vậy, các đơn vị đều không quên cho lên xe phim một ít củi để anh em điện ảnh Sư đoàn làm quà “ngoại giao” với Phòng Văn hóa Bảo Thắng lấy chỗ đi lại lâu dài. Có lần Trung tá Nguyễn Hữu Khảm - Sư đoàn phó Tham mưu trưởng bảo tôi:

- Anh em được xem phim là tốt; mình sẽ nói trực ban tác chiến nhắc đơn vị phải luôn bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cao. Các ông cũng phải nhắc, đơn vị nào chấp hành không nghiêm là cắt suất luôn đấy nhé!

Và cứ thế Sư đoàn bộ và một số đơn vị trực thuộc được xem gần như trọn bộ các phim hay. Để động viên đội điện ảnh, các anh ở Ban Quân nhu còn cấp cho mỳ tôm, đường, sữa để bồi dưỡng anh em làm đêm.

Đáng nhớ nhất trong tôi thời kỳ này là sự xuất hiện của phong trào CLB “Thơ chiến sĩ cười” mà sau này tôi được biết nó khởi phát không phải từ cơ quan chính trị mà lại từ các Ban Quân pháp, Quân Báo, Quân y, Hành chính… Cứ mỗi người một câu, một ý, ghép thành thơ; lĩnh vực nào, ngành nào cũng có thơ. Từ “anh cán bộ”, “đồng chí tổ chức”, “cậu tuyên huấn” đến mấy “cha quân pháp”… rồi “Tham mưu bắn súng, Chính trị nghe đài, Hậu cần đánh tiết canh” tất cả đều chuyển hóa thành thơ, mà là thơ vui, mộc mạc, hóm hỉnh, pha chút hài hước như chính cuộc đơi của người lính vậy, làm cho cơ quan luôn đầy ắp tiếng cười.

Bắt đầu từ sự việc Sư đoàn xây dựng một trạm thủy điện nhỏ công suất vài chục kw/h, nhưng do không có kinh nghiệm, nguồn nước không đều nên không cung cấp đủ điện cho sinh hoạt cơ quan. Một hôm khi phát hiện có sự cố, sau cuộc kiểm tra của cơ quan về bỗng rộ lên bài thơ:

Tin từ ông Kiệm phát ra/ Cái đập thủy điện có ba lỗ rò/ Một lỗ thì rất là to/ Còn hai lỗ nhỏ gay go vô cùng.

Và thật không may chỉ mấy ngày sau đó, trời đổ trận mưa rừng, lũ quét cuốn phăng đập thủy điện. Bài thơ đến tai Sư đoàn trưởng, tại cuộc giao ban, anh Lịch bảo:

- Xem cậu nào làm thơ báo hại tôi. Cả hội nghị Sư đoàn nhìn nhau rồi ai nấy cũng tủm tỉm cười...

(Còn nữa)

Đỗ Hoàng Linh - (Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 316)