Ở đây, Thu Trang để ý tới một người cùng học tên là Thắng. Sau một vài lần thử thách, Thu Trang đã tin Thắng. Cô giới thiệu Thắng vào tổ chức biệt động. Cấp trên đồng ý, nhưng bước đầu, chỉ giao cho anh làm nhiệm vụ đóng vai tình nhân của Trang mỗi khi bước vào chiến đấu. Rồi trận đánh đầu tiên tới! Khách sạn Mỹ Phụng là nơi dành riêng cho bọn sĩ quan Mỹ - ngụy và bọn nhà giàu. Thu Trang và Thắng trong vai đôi tình nhân trẻ, đã vào bên trong khách sạn. Hai người chọn một bàn sát góc tường. Các món ăn xa xỉ đã được bày trước mặt. Bọn sĩ quan Mỹ - ngụy đến đây ăn uống rất đông. Tên nào cũng kéo theo một ả tình nhân để sau lúc no say, chúng dắt nhau đến phòng nhảy.

Giờ hành động tới rồi, cả hai người cùng hồi hộp. Thu Trang liếc mắt nhìn ra ngoài đường, thấy bọn cảnh sát “cá chìm, cá nổi” đứng rải rác trước cửa rất đông. May mà không có tên cảnh sát nào để ý tới bàn của Trang và Thắng ngồi. Hai người đưa mắt nhìn nhau, Trang chớp mắt liền ba cái, một tay cô chống vào cằm, một bàn tay đặt ngửa ra trước mặt Thắng: ám hiệu báo cho Thắng rút lui trước, nhưng Thắng đã quên ám hiệu này. Thu Trang hồi hộp và lo lắng, bàn tay cô cứ nhấc lên đặt xuống mấy lần vẫn không thấy Thắng nhúc nhích. Cô đá chân vào mũi giày của Thắng. Anh nhận ra, nhưng ngay lúc đó, anh lại vòng hai tay vào trước ngực, tỏ ý ở lại cùng Trang. Hai người trước khi vào trận đánh đã hứa với nhau : Sống thì cùng sống, và nếu có hy sinh thì cả hai cùng hy sinh, nên Thắng đi không đành. Đột nhiên, Trang gục mặt xuống thút thít khóc, và nói với Thắng như một cặp tình ái bắt buộc phải xa nhau:

  • Ba má chúng ta không cho chúng ta yêu nhau, không cho chúng ta cùng chung sống. Anh phải mạnh dạn lên, em khuyên anh đừng nấn ná với em làm gì…

Thắng vẫn nhìn Thu Trang, mắt anh chớp chớp xúc độngï. Anh nhìn thấy hai môi của Trang cắn lại.

  • Anh cứ đi tìm người yêu khác, đây là lời khuyên cuối cùng của em.

Thắng hiểu đó là quyết định cuối cùng của Trang. Anh đứng dậy vuốt má cô, rồi lững thững đi ra cửa. Đúng 9 giờ 30 phút đêm ấy, tức ngày 18-4-1971, trên màn ảnh truyền hình, Ních-xơn đang huênh hoang về những khả quan của học thuyết thực dân mới ở miền Nam, thì ở khách sạn Mỹ Phụng có một tiếng nổ lớn. Cảnh sát Sài Gòn ré còi inh ỏi chạy rầm rập ngoài đường. Ngay đêm đó, các phóng viên kéo đến đông nghịt. Họ lấy những tin tức nóng hổi về vụ nổ khách sạn này…

Và đây là trận thứ hai: Cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ - ngụy ra đường 9 - Nam Lào bị thất bại nhục nhã, nhưng Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn lại ra lệnh cho bọn chiến tranh tâm lý cố tìm mọi cách làm dịu bớt sự bàn tán xôn xao trong nhân dân. Thu Trang đến thăm cô bạn cùng học, cô ta cũng mở vô tuyến cho Trang xem, và báo tin:

  • Họ sắp ăn mừng chiến thắng đấy. Lập cả kỳ đài ở đưòng Nguyễn Cư Trinh để làm lễ cơ mà!.

Tổng thống Thiệu dự định tổ chức lễ “mừng chiến thắng” Lam Sơn 719 vào ngày 19-6-1971 ở khách sạn Kim Liên. Tối đó, gần 60 tên sĩ quan đến khách sạn này chè chén. Trong khách sạn cũng có khách nhà giàu tới ăn, nên một cặp tình nhân trẻ đã chen vào được. Đó chính là Thu Trang và Thắng. Trận đánh đầu tiên đã thành nhịp cầu tình yêu của hai người. Xem chừng bọn sĩ quan cảnh sát đã chuếnh choáng hơi men, Thu Trang cũng giả vờ say, cô đưa chiếc mùi xoa che miệng để cắn kíp nổ. Sau khi đã gài xong quả mìn dưới gầm bàn, Thu Trang ngả người vào Thắng:

  • Em say rồi sao? - Thắng hỏi.

  • Sa..ay… rồi. Anh đưa em về!

Thắng trả tiền và anh xốc nách Thu Trang đứng dậy. Cặp tình nhân trẻ lảo đảo đi ra cửa. Chiếc Hon-đa của họ nhanh chóng lao vút trên đường phố. Tiếng nổ bùng lên sau lưng họ. Điện ở khách sạn Kim Liêm tắt ngấm, nhiều tiếng la ó hoảng loạn trong đêm đen. Cảnh hỗn độn diễn ra trên đường phố. Đồn cảnh sát bên cạnh khách sạn Kim Liên báo động. Mấy chục tên hớt hải chạy về phía có tiếng mìn nổ. Bọn chúng ngơ ngác đứng nhìn xác đồng bọn vừa được lôi ra mặt đường: hơn bốn chục tên chết tại trận, và gần một chục tên khác, mặt mày bê bết máu, đứa nằm, đứa ngồi bên lề đường đợi xe cấp cứu!...

Thu Hằng

(Theo cuốn “Biệt động Sài Gòn” của Nguyễn Thanh)