CCB Triệu Duy Khái (bên phải) giới thiệu mô hình trồng thanh long ruột đỏ.

Là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Dương, (tỉnh Tuyên Quang), Bình Yên đang từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng trọt... nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây.

Dịp cuối năm, dù bận nhiều công việc, đồng chí Bùi Xuân Mừng - Bí thư Đảng ủy xã Bình Yên vẫn dành thời gian trực tiếp đưa chúng tôi đến thăm một số gia đình hội viên CCB có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những mô hình CCB làm kinh tế giỏi của xã. Trên đường đi, trải trong tầm mắt là những cánh rừng nguyên sinh xanh ngắt, thấp thoáng những nếp nhà của đồng bào các dân tộc người Nùng, Sán Chay, Tày... Điều không thể thấy ở Bình Yên là các quán xá, nhà hàng kinh doanh, dịch vụ.

Tranh thủ thời gian trên đường đi, đồng chí Bí thư cho chúng tôi biết thêm: Xã có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; có 425 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 55,48%; 95 hộ cận nghèo, 12,40%. Chúng tôi tới nhà của CCB Lưu Văn Pháp, dân tộc Sán Chay ở thôn Khấu Lấu - một căn nhà gỗ, mái lá trồng huơ, trống hoác. Trong nhà không có đồ vật gì có trị giá đến 1 triệu đồng. Anh bị mất sức lao động do căn bệnh bụi phổi. Hoàn cảnh của CCB Đàm Văn Long, dân tộc Nùng, còn éo le hơn nhiều. Con trai ông mất sớm, con dâu bị đi tù, để lại hai cháu nội đang tuổi ăn học cho ông bà nuôi. Khó khăn chồng chất khó khăn, khi ông vừa bị ngã gãy chân. Thu nhập của cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng… Cùng với các chính sách hỗ trợ người nghèo của Đảng và Nhà nước, xã Bình Yên chủ động triển khai các chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, hỗ trợ vay vốn để sản xuất…

Là xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, UBND xã chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi để phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. UBND xã chỉ đạo các thôn tổ chức họp bình xét cho các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ từ nguồn vốn phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ vốn phát triển sản xuất được UBND xã triển khai đồng bộ đến tất cả các thôn, tạo điều kiện cho các hộ được hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nhân dân, giải quyết việc làm cho lao động. Đời sống vật chất và tinh thần của đa số các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vay vốn đã từng bước được cải thiện... Việc đầu tư hỗ trợ sản xuất được chủ động theo nhóm hộ gia đình, trên cơ sở xác định những nhu cầu thiết yếu chung của cả nhóm. Đáng chú ý trong đó, Chương trình cho phép nhiều hộ đã thoát nghèo vẫn được hưởng đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135.

Năm 2021, sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp và chăn nuôi năm 2021 vượt nhiều chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra: Tổng sản lượng lương thực đạt 1.399 tấn, đạt 104% kế hoạch; diện tích trồng lúa 172ha, đạt 103% kế hoạch; tổng diện tích trồng rừng 34,3, đạt 103,9%; tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có 30.276 con, đạt 112%...

Trong phát triển kinh tế, Hội CCB xã cùng với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong xã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, từng bước nâng cao nhận thức, kiến thức trong chăn nuôi, trồng trọt và tiêu thụ sản phẩm. Qua tín chấp của các tổ chức, có 34 hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn từ Ngân hàng CSXH để phát triển sản xuất với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo bên vững. Trong phong trào xóa đói, giảm nghèo, xuất hiện nhiều CCB gương mẫu trong phát triển kinh tế và trở thành các điển hình tiêu biểu của địa phương như: CCB Triệu Duy Khái, dân tộc Nùng, là người tiên phong trồng thanh long ruột đỏ. Hiện nay, gia đình ông Khái có hơn 400 gốc thanh long, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm; CCB Trần Văn Phong, dân tộc Sán Chay với mô hình trồng rừng…

Hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, UBND xã Bình Yên đăng ký thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với sản phẩm nấm sạch. HTX nấm sạch Bình Yên được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ về quy trình, kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm tạo chuỗi giá trị, xây dựng nhãn mác, kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm, đăng ký xúc tiến thương mại cho sản phẩm, hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị cho sản xuất. Đến nay, sản phẩm đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Với xuất phát điểm thấp so với mặt bằng chung, khó khăn còn nhiều, nhưng những đổi thay của địa phương trong thời gian qua càng cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Bình Yên trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hy vọng không còn lâu nữa những hoàn cảnh khó khăn như gia đình các CCB Lưu Văn Pháp, Đàm Văn Long… sẽ được đổi thay.

Hồ Thanh Hương