Tổng thống Nga - Vladimir Putin cùng đại diện lãnh đạo các nước châu Phi tại St. Petersburg.

Châu Phi có 54 quốc gia thì 49 nước cử đại diện, trong đó có 17 nguyên thủ quốc gia tới cố đô St. Petersburg của Nga ngày 27 và 28-7 để dự Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai.

Những con số này nói lên nhiều điều, nhất là sự khẳng định của mối quan hệ đối tác bền chặt giữa Moscow với các quốc gia ở châu lục này, cho dù kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra tháng 2-2022 phương Tây đã ra sức cô lập Nga với phần còn lại của thế giới.

Ắt hẳn, Nga và các nước châu Phi hiểu rõ đây là sự kiện rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ đối tác giữa Nga với châu Phi, tạo thành khối bỏ phiếu lớn nhất tại Liên Hợp quốc. Trong khi Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia vùng Vịnh, hay Hàn Quốc, Nhật Bản đều có chiến lược tăng cường hơn nữa sự hiện diện ở châu Phi và hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia ở châu lục này thì việc tăng cường quan hệ với lục địa có 1,3 tỷ dân sẽ đem lại nhiều lợi ích trong bối cảnh nước Nga đang bị phương Tây o ép bằng hàng trăm lệnh trừng phạt.

Đối với châu Phi, Nga là nguồn cung cấp lương thực, phân bón hàng đầu. Đây là những mặt hàng chiến lược ở châu lục vốn phụ thuộc đáng kể vào nhập khẩu lúa mì, ngũ cốc... và lãnh đạo các nước châu Phi hiểu rõ tác động của an ninh lương thực đối với ổn định chính trị. Bởi vậy, vô hình trung, Nga được xem như một đối tác lâu dài đối với các nước châu Phi nhằm giải quyết các thách thức về phát triển và an ninh. Hơn thế, nhìn từ góc độ địa chính trị, nhiều nước châu Phi coi Nga là đồng minh trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ để nâng tầm ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế.

Quan ngại về lương thực và phân bón của các lãnh đạo châu Phi đã được Tổng thống Nga - Vladimir nhanh chóng giải tỏa ngay tại Hội nghị lần này. Bên cạnh việc Nga đã xóa tổng số nợ lên tới 23 tỷ USD cho châu Phi, Tổng thống Putin tuyên bố trong vòng từ 3-4 tháng tới, Nga sẽ cung cấp miễn phí từ 25.000-50.000 tấn ngũ cốc cho 6 nước châu Phi; khẳng định: “Nga sẽ luôn là nhà cung cấp nông sản quốc tế có trách nhiệm và sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia và khu vực có nhu cầu bằng cách cung cấp miễn phí ngũ cốc cùng các mặt hàng khác”. Động thái này diễn ra sau khi Nga quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen với lý do phương Tây đã phớt lờ những trách nhiệm theo thỏa thuận đối với Nga; đồng thời Nga cũng cho rằng chỉ một lượng nhỏ ngũ cốc đó đến được với các nước nghèo. Bên cạnh đó, Tổng thống Putin thông báo năm 2022, Nga đã cung cấp 11,5 triệu tấn ngũ cốc cho các nước châu Phi và gần 10 triệu tấn, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023.

Không chỉ ủng hộ châu Phi về lương thực, vị thế chính trị ngày càng tăng của khu vực này cũng được Moscow quan tâm. Theo ông Putin, lục địa châu Phi đang trở thành một trung tâm quyền lực mới với vai trò chính trị và kinh tế tăng lên nhiều lần và “thực tế khách quan” này cần được tính tới. Do đó, Tổng thống Putin kêu gọi các quốc gia châu Phi cùng xây dựng một cấu trúc trật tự thế giới mới, công bằng hơn, cùng bảo vệ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc, cũng như vai trò trung tâm của tổ chức thế giới này và nỗ lực phối hợp các cách tiếp cận với các vấn đề chính trong chương trình nghị sự quốc tế. Ông khẳng định: Nga và châu Phi có cùng mong muốn là bảo vệ chủ quyền thực sự, quyền đối với con đường phát triển của riêng mình trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa... Lẽ tất nhiên, nếu kế hoạch lớn nhằm nâng tầm và thúc đẩy quan hệ với châu Phi thành công, Nga cũng sẽ nhận được những lợi ích đáng kể, vị thế của Nga tại châu Phi cũng gia tăng và ảnh hưởng của châu lục này trên các diễn đàn quốc tế sẽ được nâng lên.

Kế hoạch của Nga và châu Phi là vậy, nhưng nó có thành công hay không thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố, dù rằng quan hệ đối tác Nga - châu Phi khó có thể tách rời. Châu Phi, với nhiều quốc gia đang có xung đột, với sự lôi kéo lợi ích của các cường quốc cùng những thách thức về an ninh, kinh tế, xã hội, hẳn sẽ chịu nhiều sức ép. Con số 17 nguyên thủ châu Phi đến St. Petersburg tuy lớn nhưng lại giảm so với con số 45 nguyên thủ khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất diễn ra năm 2019 tại Sochi. Điều này cũng thể hiện phần nào sức ép của phương Tây với châu Phi trong nỗ lực tăng cường hơn nữa quan hệ với Moscow.

Thanh Huyền