Cũng như đàn bầu, sáo trúc... chiếc trống cơm đã góp phần tạo nên bản sắc của nhạc cụ cổ truyền Việt Nam. Đã bao lần những âm thanh kỳ diệu phát ra từ những nhạc cụ giản đơn ấy làm nức lòng bè bạn trên thế giới cũng như người Việt Nam đang sống ở nước ngoài, tha thiết nhớ về cội nguồn mỗi khi tết đến xuân về.
Đã có từ rất lâu đời và được dùng phổ biến nhất trong dân tộc Kinh, trống cơm nay vẫn còn được sử dụng trong các dịp tế lễ, đám rước và nhất là dùng trong việc hiếu.
Nguồn gốc của Trống cơm, có tư liệu cho rằng từ chữ phạn cổ (phạn là cơm, cổ là trống trong tiếng Hán) mà thành tên Trống cơm.
Nhưng, với cách hiểu trong dân gian, thì từ việc, trước khi sử dụng người điều khiển trống thường lấy hai nắm cơm nhỏ đã nghiền nát đắp vào giữa hai mặt trống mà thành tên gọi nôm na: Trống cơm.
Độc đáo của trống cơm là ở chỗ tuy thuộc bộ gõ nhưng không phải dùng dùi trần hay dùi bọc để gõ, mà dùng tay vỗ lên mặt trống (chỗ có cơm dính vào).
Trong cuốn “Nhạc cụ gỗ cổ truyền Việt Nam” của Lê Ngọc Canh và Tô Đông Hải thì viết "Người ta dùng lòng tay vỗ vào mặt trống. Người đánh vỗ hai tay vào núm (nắm NV) cơm để tạo âm thanh "bập bung". Bập là vỗ tay vào núm, bung là khi nhấc bật ra khỏi núm cơm thì tạo ra âm thanh bung”.
Với tính chất độc đáo từ hình dáng, âm thanh đến cách biểu diễn, trống cơm thật sự đã góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc của dân tộc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của nước nhà.
Phạm Đông