Vùng đất Kẻ Sặt (Bình Giang, Hải Dương) - từ xa xưa đã nổi tiếng là một tụ điểm quần cư sầm uất, là đô thị cổ được hình thành từ năm 1630. Kẻ Sặt có tên tự là Tráng Liệt còn nổi danh với nghề cơ khí. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống văn hiến, cách mạng, năng động, sáng tạo, ở CCB Phạm Văn Nhân có sự nhạy bén của dân chợ Kẻ Sặt, có nét tài hoa của thợ cơ khí Tráng Liệt.
Đi lên từ nghề cơ khí truyền thống, đến nay tuy phát triển kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, xây dựng… nhưng đối với doanh nhân CCB Phạm Văn Nhân, Công ty CP phát triển Quốc tế Việt Trung vẫn luôn là xương sống cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Các loại máy nông nghiệp, máy bơm, máy phát điện... là những mặt hàng chủ lực của Công ty, trong đó có nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang Đài Loan, Canada... Sau 5 năm mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô tải, nhận thấy thị trường có dấu hiệu chững lại, hiện nay Công ty tạm ngừng đầu tư vào lĩnh vực này, tuy nhiên kinh nghiệm tích lũy được và đội ngũ công nhân có tay nghề đã giúp Việt Trung nhận được đơn hàng sản xuất xe địa hình 4 bánh vào thị trường Mỹ.
Giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty, doanh nhân CCB Phạm Văn Nhân luôn trăn trở tìm hướng đi để doanh nghiệp phát triển bền vững, tăng khả năng thích nghi trước những biến động của thời cuộc. Đến nay, Công ty tạo việc làm cho hơn 300 lao động, với mức lương bình quân 10 triệu đồng/tháng.
Là người Công giáo, anh đưa giáo lý Công giáo vào “triết lý kinh doanh” trong lãnh đạo doanh nghiệp, dựa trên nền tảng vì tha nhân, chia sẻ nỗi lo của người khác. Đối với công nhân, cấp lãnh đạo phải hiểu được những khó khăn của họ trong đời sống để hỗ trợ. Đối với khách hàng, cộng đồng xã hội, nhà sản xuất cần giữ chữ “tín” trong sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, CCB Phạm Văn Nhân đang là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Hải Dương, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân CCB huyện Bình Giang, ngoài ra anh còn tham gia Hội Doanh nhân Công giáo - Giáo phận Hải Phòng. Anh cho rằng: Chủ trương của hai tổ chức Hội đều đề cao tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong công việc và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Nói về những đóng góp của giáo dân Phạm Văn Nhân cho cộng đồng, Cha xứ Gioakim Đặng Văn Hoàng - coi sóc Giáo xứ thánh An-tôn thuộc Giáo hạt Kẻ Sặt nhận xét: “Anh Nhân là một doanh nhân Công giáo thành đạt, luôn sống với lương tâm Công giáo của mình trong sản xuất, kinh doanh. Mỗi năm, anh cùng gia đình đóng góp hàng tỷ đồng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn và các hoạt động thiện nguyện của Giáo hội và của cộng đồng”.
Với CCB Phạm Văn Nhân, dù là tôn giáo nào thì truyền thống văn hóa dân tộc vẫn luôn chảy trong mạch nguồn trái tim của mỗi người con đất Việt, truyền thống ấy từ xa xưa cho đến nay vẫn được bảo tồn nguyên giá trị. Với cách riêng của mình, CCB Phạm Văn Nhân gìn giữ truyền thống, lưu giữ dấu xưa qua niềm đam mê sưu tầm cổ vật. Trong giới chơi đồ cổ, anh là một trong những “đại gia” có tiếng với nhiều đồ vật có giá trị rất lớn.
Tại Triển lãm Cổ vật cung đình Huế được tổ chức hồi đầu năm tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội, trong số khoảng 200 cổ vật hoàng cung được trưng bày, nhà sưu tập CCB Phạm Văn Nhân đã đóng góp nhiều nhất với 36 hiện vật. Đáng chú ý là chiếc áo Nhật Bình của công chúa Mỹ Lương, thường được gọi là Bà chúa Nhất - Trưởng nữ của vua Dục Đức.
Điềm đạm, nghị lực là những nhận xét của hầu hết những người lần đầu gặp anh. Tiếp chúng tôi tại căn nhà gỗ cổ của anh tại thị trấn Kẻ Sặt, anh Nhân cho biết: “Nhờ kinh doanh thuận lợi, tôi có điều kiện theo đuổi đam mê từ thuở hàn vi. Gìn giữ được một phần những di sản quý báu mà cha ông ta đã tạo nên cũng là cách để giữ gìn văn hóa và lưu giữ sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại, để nuôi dưỡng tâm hồn con người lớn lên trong sự trân trọng và biết ơn những bậc tiền nhân”.
Anh đưa chúng tôi tới tham quan các gian trưng bày cổ vật tại gia đình. Anh say sưa kể về “gốc tích” của các cổ vật và giá trị lịch sử của nó qua các giai đoạn. Những bộ gốm sứ ký kiểu có niên đại từ triều Nguyễn trải qua các đời vua như đồ Ngự dụng, đồ quan dụng dòng tứ trụ triều đình, đồ vàng bạc... Kỳ công nhất phải kể đến việc mua được chiếc áo của Nam Phương Hoàng hậu trong một cuộc đấu giá tại Pháp, chân đèn bằng gốm được mua tại Nhật Bản. Khi được hỏi về giá trị của các cổ vật, anh cười hiền và nói: “Cổ vật là vô giá!”.
Những giá trị mà doanh nhân CCB Phạm Văn Nhân mang lại cho xã hội và cộng đồng góp phần lan tỏa tình yêu thương, đức tin tới mọi người như tiếng chuông ngân vang trong cảnh thanh bình, trù phú của vùng đất Kẻ Sặt xưa.
Mai Phương