Tốp nam - U75 với ca khúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Ảnh:Minh Khanh

Ngày mới nghe thông tin Hội Người cao tuổi Việt Nam có Đoàn Nghệ thuật 19-5, hoạt động rất chuyên nghiệp, lại tươi trẻ, tôi cứ “bán tín, bán nghi”. Về sau ngẫm lại, tôi thấy mình có phần bồng bột, ấy là do “gu” chuộng mộ “đào kép trẻ” từ thuở xa xưa mà chi phối cảm nghĩ của mình. Nhưng chỉ qua xem họ biểu diễn một chương trình, tôi đã “nhận thức lại” và chỉ còn sự cảm phục và mến mộ. Những người biết, những người từng làm khán giả của Đoàn cũng đều đồng cảm với tôi như vậy.

Cách đây hơn 5 năm, vào một đêm muộn, tôi nhận được điện thoại của ông bạn là Phạm Huyên, làm hải quan ở Cửa khẩu Tây Trang (tỉnh Điện Biên). Hơn 30 phút thông thoại, ông bạn chỉ “sô lô” về tối biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật 19-5 bên tượng đài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, dịp Lễ hội Hoa ban 2018 và kỷ niệm 64 năm chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”...

Kết thúc cuộc điện thoại, ông bạn mời và nhắc nhở: “Ông là nhà báo, cần phải viết về Đoàn Nghệ thuật 19-5 đấy.

Tôi nhận lời - thú thực chỉ vì nể bạn mà đi... Nhưng ngay từ tiết mục mở đầu đã làm tôi thật bất ngờ. Còn cả chương trình thì cứ hút hồn tôi hết tiết mục này đến tiết mục khác. Nghe, các ca sĩ, nghệ sĩ múa hát, tôi như thấy tuổi già ở họ đã biến đi đâu hết. Tinh thần, hào khí và giọng ca, điệu múa của họ như còn trẻ mãi… Cũng từ cơ duyên đó mà hơn 5 năm qua, tôi trở nên gắn bó như thành viên của Đoàn.

Dịp này, các nghệ sĩ đang miệt mài tập luyện chuẩn bị cho chương trình đặc biệt chào mừng tròn tuổi 20 của Đoàn và kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống QĐND Việt Nam. Qua câu chuyện bên sàn tập, tôi càng cảm phục những ca sĩ, nghệ sĩ mà tuổi đời đều vượt ngưỡng U70. Và cả những “mong đợi ngậm ngùi”, những trăn trở bên sân khấu...

20 năm trước, theo quyết định của BCH T.Ư Hội Người cao tuổi Việt Nam, Đoàn Nghệ thuật 19-5 được thành lập. Quả thực, quá trình thai nghén và cả thời gian đầu Đoàn đứng trước không ít trở ngại bận lòng, nhất là về cơ chế hoạt động, kinh phí bảo đảm, thu hút ca sĩ, nghệ sĩ…

Tiết mục "Từ Làng sen" trong chương trình "Bác Hồ một tình yêu báo la" tại Cao Bằng, tháng 2-2023. Ảnh: Thùy Linh

Thật mừng là trước bao khó khăn, bao công việc cần giải quyết, nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ, khích lệ của T.Ư Hội Người cao tuổi Việt Nam, chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương và lòng mến mộ, động viên của đông đảo khán giả, nhất là lớp người cao tuổi, Đoàn từng bước khắc phục được khó khăn.

Cũng qua những câu chuyện về thân thế, gia đình, về tập luyện, đi biểu diễn phục vụ công chúng của các nghệ sĩ mà tôi hiểu nhân tố quyết định để Đoàn Nghệ thuật 19-5 đứng vững và phát triển chính là lòng tâm huyết sắt son, niềm đam mê không vơi cạn với nghệ thuật của các cán bộ, nghệ sĩ, ca sĩ.

Khác hẳn các Đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp, tất cả cán bộ, nghệ sĩ, ca sĩ của Đoàn Nghệ thuật 19-5 đều là những người đã nghỉ hưu, nhiều người là NSND, NSƯT. Họ đã tự nguyện chọn Đoàn Nghệ thuật “mang số trọng 19-5” - ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là cơ quan tiếp nối, gia đình âm nhạc thứ hai của mình. Với họ, nghỉ hưu nhưng không giải nghệ, vẫn được hát, được múa, được khán giả mến mộ là hạnh phúc lắm rồi. Bởi vậy họ thật thông cảm và chia sẻ cùng Đoàn những khó khăn, thiếu thốn. Đi tập luyện không đòi hỏi thù lao, có lúc các thiết bị, đạo cụ hỏng hóc, họ liền về nhà mang đến, hoặc bỏ luôn tiền túi đi mua sắm bổ sung, sửa chữa, chứ không cần tìm thủ quỹ. Những chuyến đi biểu diễn xa, dài ngày, ai cũng mang theo tiền, ít nhất là một tháng lương hưu để tự trang trải sinh hoạt và góp thêm vào quỹ của Đoàn để tặng quà đối tượng khó khăn nơi biểu diễn.

Nghệ sĩ Đỗ Khắc Thiện - Đoàn trưởng rất cảm kích về sự cảm thông, chia sẻ khó khăn của các nghệ sĩ. Ông thật vui và tự hào về thành tích, thành công của Đoàn, có lẽ vì thế mà ông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 80 của mình.

20 năm qua từ lòng nhiệt huyết, say mê nghề nghiệp của các nghệ sĩ mà họ đã sáng tác, xây dựng và biểu diễn được nhiều tác phẩm, nhiều chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, có tầm cỡ quốc gia. Vì mục tiêu phục vụ, nâng cao đời sống tinh thần của người cao tuổi và nhân dân mà bước chân các nghệ sĩ cao niên vẫn dẻo dai đi khắp 63 tỉnh, thành trong nước, cả sang với nước bạn Lào, để thực hiện hơn 750 đêm diễn. Đây là con số hết sức ý nghĩa về tinh thần phục vụ và cống hiến. Thành tích này thật xứng đáng với Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua xuất sắc của T.Ư Hội Người cao tuổi Việt Nam; 45 bằng khen của các Bộ, ngành, nước bạn Lào, các tổ chức, các tỉnh, thành...

Đoàn trưởng rất cảm kích về tinh thần cống hiến của các nghệ sĩ, ca sĩ; còn các nghệ sĩ, ca sĩ thì đều có những lời khen ấm áp dành cho ông bầu của mình: “Anh Thiện vừa giỏi đạo diễn vừa tài biên tập âm nhạc, lại có “năng khiếu” xoay xở để “bản nhạc 19-5” vang đều, lan tỏa.

Điều thú vị khác về Đoàn Nghệ thuật 19-5 mà tôi cũng mới biết, là trong số các ca sĩ, nghệ sĩ của Đoàn thì đa số là CCB và CQN, nhiều người là thương binh, người từng là ca sĩ chuyên nghiệp, người chỉ là ca sĩ trung đoàn, sư đoàn, nhưng điểm chung ở họ là vẫn giàu chất lính, cả trên sân khấu và đời thường. Họ “cựu” nhưng không “cũ”, thể hiện nhiều, thể hiện sinh động, giàu cảm xúc những ca khúc, điệu múa về Đảng, Bác, về quân đội, người chiến sĩ - Bộ đội Cụ Hồ. Biết điều này, tôi nói vui “Đoàn Nghệ thuật 19-5 như có tính “lưỡng quốc” - của Hội Người cao tuổi và của cả Hội CCB Việt Nam”. Ai cũng tâm đắc với tôi về điều liên tưởng này.

Một nhạc sĩ đã khái quát: “Đoàn Nghệ thuật 19-5 là đoàn “ba đa”: Đa nghệ sĩ, đa sắc thái và đa giọng điệu” - thật đúng!

Tôi đã nhiều lần nghe NSND Hồng Năm hát trên sân khấu khi còn trẻ, nay về hưu, ca sĩ vẫn đều đặn hát trong các chương trình của Đoàn Nghệ thuật 19-5, vẫn đằm thắm chất giọng dân ca, vẫn ngọt ngào “Câu đợi câu chờ”.

Cựu quân nhân, ca sĩ Đình Quýnh thì sở hữu giọng nam cao, lại thanh ấm. Ca sĩ hát nhạc đỏ thật hào sảng mà rất truyền cảm. Nghe ca sĩ Đình Quýnh hát “Đất nước”, Tình ca Tây Nguyên”… thì thôi rồi. Người nghe như được “bay lên”  theo lời ca, tiếng hát ấy.

Nghệ sĩ Minh Thông có chất giọng mượt mà, có những quãng ngân lịm người, rất duyên với những ca khúc mang âm hưởng dân ca. Nghệ sĩ hát bài “Từ Làng Sen” như gửi gắm tình cảm, như hòa điệu bao con tim về Bác Hồ kính yêu. Khi nghe giới thiệu ca sĩ Minh Thông hát bài “Mẹ yêu con”, thì có người nói vui: Ở tuổi 76 mà hát bài này thì phải đổi tên bài hát thành “Bà yêu cháu”, “Cụ yêu chắt” mới phù hợp! Vậy mà, giọng của “bà”, của “cụ” Minh Thông vẫn da diết, ngọt ngào, như một nữ ca sĩ trẻ ru con...

CCB, nghệ sĩ Diễm Thu đến với Đoàn cùng cây đàn bầu thân thiết. Nhìn nghệ sĩ biểu diễn thật điệu nghệ, trẻ trung. Tiếng đàn thánh thót, khi trầm, lúc bổng, khiến tiếng lòng bao người xốn xang...

NSND Đồng Văn Minh năm nay đã 73 tuổi, nhưng lại là “tân binh” và thuộc “tốp trẻ nhất” Đoàn. Cựu diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam này còn là nghệ nhân chế tác các loại nhạc cụ từ tre và đá. Theo NSND, ông đầu quân về Đoàn Nghệ thuật “Diên Hồng” này vì thấy ở đây có nhiều điều đặc biệt và bất ngờ. Tin là “tân binh” Đồng Văn Minh sẽ tiếp tục tạo cho Đoàn những bất ngờ thú vị.

MC của Đoàn là nghệ sĩ Huyền Lâm và Nghệ nhân Ưu tú, thương binh Phùng Thị Hồng. Cả hai không chỉ là MC có nghề, có duyên, mà còn là hai “con dao pha” của Đoàn, cả về nghệ thuật và hành chính.

Có người đã ví một cách hình tượng và đúng chuyên ngành, rằng - Đoàn Nghệ thuật 19-5 là một dàn đồng ca đặc biệt. Tôi nghĩ để có dàn đồng ca đặc biệt này, thì toàn Đoàn đã đồng lòng, đồng cảm, đồng sức hết sức đặc biệt về tình yêu âm nhạc và tinh thần cống hiến. Các nhà tâm lý học đúc kết, trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật thì âm nhạc có sức mạnh, độ nhạy cao nhất tác động đến tinh thần con người. Âm nhạc được ngân lên từ lòng nhiệt huyết, từ hào khí như “mãi mãi tuổi hai mươi” của những nghệ sĩ cao niên ở Đoàn Nghệ thuật 19-5, thì hẳn âm nhạc ấy thật giàu cảm xúc, có sức mạnh, độ nhạy và lan tỏa cao gấp bội lần. Và như vậy, Đoàn Nghệ thuật 19-5 không chỉ có biểu diễn nghệ thuật, mà còn là nơi lưu giữ “gam hồng, độ tinh khiết” của âm nhạc cách mạng, để dòng nhạc này mãi mãi đi cùng năm tháng.

Tô Thành Tuyên