“Nhà máy” sữa New Zealand tại T.P Vinh (Nghệ An) đã bị tháo dỡ, di dời.

Dù đình chỉ hoạt động, nhưng nhiều người còn tỏ ra lo lắng nếu tiếp tục cho Công ty sữa có vốn điều lệ 1 tỷ đồng được đặt Nhà máy tại Hòa Bình.

Ngày 10-12-20202, UBND huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình ban hành Văn bản số 1716/UBND-VP yêu cầu Công ty CP Tập đoàn sữa Việt Nam dinh dưỡng NewZealand tại thôn Năm Lu, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn dừng hoạt động sản xuất.

Việc ra thông báo dựa trên Văn bản chỉ đạo số 2127/UBND-TH của UBND tỉnh Hòa Bình.

Cụ thể, văn bản UBND huyện Lương Sơn yêu cầu Công ty CP Tập đoàn sữa Việt Nam dinh dưỡng NewZealand dừng mọi hoạt động sản xuất Nhà máy tại thôn Năm Lu, xã Hòa Sơn. Đồng thời, giao UBND xã Hòa Sơn giám sát việc dừng hoạt động, báo cáo UBND huyện các vi phạm (nếu có).

Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, Văn bản 1716 của UBND huyện Lương Sơn lại “mở đường” cho Công ty CP Tập đoàn sữa Việt Nam dinh dưỡng NewZealand có “đất diễn” ở Hòa Bình.

Văn bản này nêu: Trường hợp Công ty có nhu cầu sản xuất đề nghị làm việc với UBND huyện Lương Sơn hoặc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hòa Bình để được giới thiệu vị trí phù hợp với dự án và giao Phòng Tài chính Kế hoạch huyện hướng dẫn nhà đầu tư các trình tự, thủ tục cần thiết theo qui định của pháp luật về đầu tư dự án.

Động thái trên khiến cho một số người vừa mừng vừa lo. Mừng vì chính quyền tỉnh Hòa Bình đã đóng cửa được nhà máy. Nhưng lo là Công ty này tiếp tục được đầu tư ở Hoà Bình liệu họ có làm ăn nghiêm chỉnh hay lại… “ngựa quen đường cũ” khi có đất “dụng võ”?

Trước đó, như Báo CCB Việt Nam và một số cơ quan báo chí thông tin, Công ty CP Tập đoàn sữa Việt Nam dinh dưỡng NewZealand rầm rộ tổ chức cho nhiều CCB, người cao tuổi ở các tỉnh thành đến tham quan miễn phí nhà máy sản xuất sữa của Công ty đặt tại xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn. Tuy nhiên sự việc tham quan này thực chất chỉ là bình phong, là mồi nhử; còn việc tổ chức hội thảo, giới thiệu bán sản phẩm “Hồng sâm Ngọc Linh nhụy hoa nghệ tây saffron canxi nano tảo đỏ” và một số sản phẩm thực phẩm chức năng khác cho người đến tham quan mới là mục đích chính của doanh nghiệp.

Đã có rất nhiều CCB, người cao tuổi ở các tỉnh thành bỏ tiền triệu ra mua các sản phẩm mà công ty này chào mời, quảng bá là có tác dụng tốt cho sức khỏe người cao tuổi.

Tuy vậy, có sản phẩm quảng bá, giới thiệu lại được Công ty này bán ra theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, hòng đánh lừa người tiêu dùng.

Cụ thể, trên bao bì nhãn mác sản phẩm phẩm “Hồng sâm Ngọc Linh nhụy hoa nghệ tây saffron canxi nano tảo đỏ” mà công ty này bán cho người đến tham quan được ghi sản xuất tại Nhà máy của Công ty CP Dược phẩm Quốc tế VN Anh Quốc Trường Đại Hưng (địa chỉ tại Tiểu khu Liên Sơn, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn), không phải do Công ty CP tập đoàn sữa dinh dưỡng Quốc tế Newzealand sản xuất!

Dấu hiệu lừa đảo khách hàng bằng mô hình tham quan nhà máy ngày càng lộ rõ hơn. Khi tin loan tới tai lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình, thì ngay lập tức lãnh đạo tỉnh này giao cho cơ quan chức năng và UBND huyện Lương Sơn vào cuộc kiểm tra. Thế nhưng, qua nhiều tháng thanh kiểm tra dường như cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình và UBND huyện Lương Sơn vẫn còn có “do dự”, khiến cho hoạt động đưa người tới tham quan Nhà máy sữa Newzealand vẫn diễn trong một thời gian dài?

Điều đáng nói là khi báo chí vào cuộc phản ánh mạnh mẽ thì Công ty CP Tập đoàn sữa Việt Nam dinh dưỡng NewZealand lại tiếp tục “thoát xác”, di chuyển vào Nghệ An lập “đại bản doanh” hòng tiếp tục mô hình hoạt động như trước đó họ đã làm.

Cụ thể, tại Nghệ An, Công ty CP Tập đoàn sữa Việt Nam dinh dưỡng NewZealand tìm thuê lại vài trăm mét vuông nhà kho bỏ không của một công ty nào đó, sau đó cho sửa sang rồi dựng biển tên công ty hoành tráng, đưa người đến tham quan, bán sản phẩm. Có điều tỉnh Nghệ An khác Hòa Bình trong cách xử lý.

Cuối tháng 11-2020, lãnh đạo tỉnh Nghệ An sau khi nghe được thông tin phản ánh về nhiều người cao tuổi trong tỉnh đến tham quan nhà máy đặt tại T.P Vinh, đã kịp thời chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra. Đến ngày 7-12-2020, chỉ sau chưa đầy nửa tháng, toàn bộ cơ sở sản xuất của Công ty CP Tập đoàn sữa Việt Nam dinh dưỡng NewZealand đặt tại khối 2, phường Vinh Tân, T.P Vinh đã bị chính quyền tỉnh Nghệ An đóng cửa, buộc tháo dỡ, di dời...

Thiết nghĩ, qua câu chuyện trên nên chăng mỗi địa phương cần thẩm định, xem xét hồ sơ về năng lực tài chính, qui mô nhà máy, trang thiết bị máy móc, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, điều kiện VSATTP… một cách chắc chắn trước khi cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động. Không nên để xảy ra sự việc giống như câu chuyện Newzealand milk diễn ra vừa qua ở Hòa Bình và Nghệ An!

Doanh Chính