Đầu tháng 2-1969, Hai Thương cùng lúc nhận được hai bức điện từ cấp trên. Một bức thông báo trở về căn cứ, chuẩn bị ra Bắc học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Một bức giao nhiệm vụ trở vào nội đô Sài Gòn, bắt liên lạc và nhận các tài liệu quan trọng từ lưới điệp báo của các đồng chí Hai Trung (Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Xuân Ẩn), Ba Quốc (Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức) là những điệp viên của ta đang hoạt động trong hang ổ địch.
Hai Thương suy nghĩ và quyết định đi nhận tài liệu trước. Chuyến công tác này rất nguy hiểm vì từ sau Tổng tấn công Mậu Thân 1968, Mỹ-ngụy tăng cường khủng bố, bắt bớ rất gắt gao.
Ngày 10-2-1969, Hai Thương vào thành và nhận tài liệu từ cơ sở tại Sài Gòn rồi trở về căn cứ. Đến cánh đồng nam Bến Cát, anh đụng một tốp địch đang đi càn. Hàng chục chiếc trực thăng đang gầm rú, quần đảo soi tìm Việt Cộng. Chưa kịp lẩn tránh, Hai Thương đã nghe tiếng địch gọi đúng tên mình.
Nhìn lên chiếc trực thăng bay gần mình nhất, Hai Thương nhận ra Tư Hiền, một tên phản bội bỏ cứ về đầu hàng địch. Biết đã bị lộ, Hai Thương quyết định sẽ chiến đấu để kéo dài thời gian, tìm cách cất giấu những tài liệu quan trọng đang mang trong người.
Vũ khí duy nhất anh có là khẩu súng ngắn K54. Nhân cơ hội chiếc trực thăng chở tên chiêu hồi đang lượn sát về phía mình, Hai Thương nổ súng, hạ gục hai tên địch và khiến chiếc trực thăng rơi xuống, bốc cháy dữ dội. Một chiếc trực thăng khác bám theo, bắn anh bị thương vào bắp chân.
Hai Thương lết vào một gốc cây rồi tự băng bó vết thương. Lúc này, địch đã đổ quân vây chặt anh. Khẩu K54 còn 21 viên đạn, Hai Thương để địch đến rất gần mới xiết cò. 15 viên đạn anh bắn ra, chừng ấy tên địch ngã xuống, quằn quại, kêu rống lên thống thiết. Khi bắn hết viên đạn thứ 20, Hai Thương định dành viên cuối cùng cho mình để khỏi rơi vào tay địch. Nhưng anh chợt nhớ trong một lần thảo luận với đồng đội, có người nói: “Tự sát không phải là phương pháp tốt, người chiến sĩ tình báo phải biết giữ mình để tiếp tục chiến đấu”.
Từ suy nghĩ đó, Hai Thương quyết định để địch bò sát vào chỗ mình, rồi cướp lấy khẩu AR15 từ tay địch để tiếp tục chiến đấu. Nhưng lực lượng quá chênh lệch, cự ly quá gần, địch ập đến bắt sống anh.
Bọn địch dùng mọi mưu mô hòng mua chuộc, lôi kéo Hai Thương chiêu hồi, như dùng “mỹ nhân kế”, để Hai Thương sống trong biệt thự với gái đẹp rồi hứa hẹn ban tặng chức vụ, bổng lộc. Không mua chuộc nổi Hai Thương, địch chuyển sang dùng các đòn tra tấn tàn bạo. Chúng dùng lưỡi lê sắc nhọn xuyên qua bắp chân anh rồi xoáy mạnh; hoặc dùng cưa sắt cưa dần từng đoạn chân của anh. Qua 6 lần cưa, chân Hai Thương đã cụt sát đến bẹn, nhưng anh vẫn không khai nửa lời.
Hơn 4 năm bị giam ở Phú Quốc, Hai Thương tham gia cấp ủy Đảng nhà tù. Tinh thần bất khuất, kiên trung của Hai Thương đã trở thành tấm gương sáng cho các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày.
Riêng khẩu súng K54 và các tài liệu mật mà Hai Thương cất giấu, tổ chức đã cử các đồng chí giao thông mật tìm lại được. Ngày 6-11-1978, Chuẩn úy Nguyễn Văn Thương-người từng hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ chuyển 900 chuyến tin tình báo từ nội thành về chiến khu, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Còn khẩu súng K54 ông sử dụng trong trận đánh ngày 10-2-1969 trở thành hiện vật quý trong giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay.
Khôi Nguyên