Ngôi nhà không tiếng cười
Một chiều đầu tháng tư, những đợt gió Đông cuối mùa từ phía cánh đồng vẫn rít từng hồi tạo nên cảm giác se lạnh. Con đường nhỏ dẫn về xóm 1 vừa được trải lớp bê tông mới cứng vẫn còn lởm chởm những viên đá vụn sót trên mặt đường. Vòng qua vài con ngõ, chúng tôi mới tìm được nhà ông Trần Văn Sinh.
Vừa đặt chân đến ngoài cổng, những tiếng chửi rủa từ trong gian nhà xập xệ vọng ra khiến tôi không lạ, vì đã được một người hàng xóm tên Kim giới thiệu sơ qua về gia cảnh của gia đình ông. Nhưng cho đến khi đặt chân vào căn nhà ấy, tôi vẫn không thể cầm được nước mắt bởi một cảnh tượng trớ trêu đến xót lòng. Cả cuộc đời người đàn ông khốn khổ ấy tưởng rằng như vậy là quá đủ điều bất hạnh, nhưng có lẽ vì ông trời quá tàn nhẫn nên sau nhiều năm chung sống với người điên nên giờ đây ông cũng hoá “điên” để mỗi lần mở miệng ra, hai chữ “khổ lắm!”lại được đính kèm phía sau
Giữa gian nhà “độc” mỗi bộ bàn ghế ọp ẹp, vài chiếc cốc “lạc” bộ, ông ngồi nép bên chiếc giường - nơi bà vợ đang nằm nghỉ. Khuôn mặt khắc khổ của ông toát lên sự lo lắng chất chồng, đôi mắt bạc đi vì những nỗi tủi cực dồn nén đã lâu. Mái tóc hai màu rối xù chẳng thể che kín được đuôi mắt chi chít những nếp nhăn làm nổi bật lên hai gò má khiến bất cứ ai cũng có thể nhầm ông già thêm cả chục tuổi. Gạt giọt nước mắt lăn trộm trên má, ông bắt đầu lần mò kể về cuộc đời đầy tăm tối của mình.
Vợ ông tên là Trần Thị Quỳnh, sinh năm 1953, vốn là người cùng gốc đất Quỳnh với ông. Sau thời gian đi tham gia dân công hoả tuyến bên Lào, đến năm 19 tuổi, bà trở về rồi cùng ông kết duyên vợ chồng. Và từ đây, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cứ dần dà trôi đi trong niềm hạnh phúc gia đình với sự ra đời liên tiếp của 6 đứa con.
Song, niềm hạnh phúc về những đứa con chưa kịp cảm nhận rõ thì đã bị nỗi lo toan vật chất lấn át. Gánh nặng cơm áo gạo tiền ngày càng đè nặng lên vai khi cả gia đình với 6 miệng ăn chỉ trông vào vài sào ruộng trồng lúa. Nhưng sự khó khăn vật chất hiện tại đó có lẽ chưa đến mức đẩy ông vào ngõ cụt nghiệt ngã.
Trong sáu người con của ông bà, có cô út là Trần Thị Phượng (sinh năm 1994) khi vừa sinh ra đã yếu ớt, không nhận biết được bất cứ thứ gì. Càng lớn, sự khù khờ, u mê càng thể hiện rõ hơn khi Phượng chỉ ngồi một chỗ, không cười mà cũng chẳng biết khóc dù có đánh, có véo. Và cứ như thế suốt 18 năm, mọi sinh hoạt của Phượng đều phải nhờ bố mẹ.
Nhưng đâu ai ngờ số phận còn đưa đẩy gia đình bà đến những tai ương khác nữa. Đó là năm 2006, cậu con trai thứ tư là Trần Văn Đức (sinh năm 1984), vốn là đứa thông minh nhất nhà, chỉ sau một trận cảm bình thường không đi bệnh viện cũng vì gia đình quá khó khăn mà bị biến chứng lên não rồi trở nên điên dại. Ông Sinh kể:
“Những lúc lên cơn, nó la hét rồi đập phá đồ đạc, lảm nhảm những điều không ai rõ và bỏ nhà chạy đi khắp làng. Có những lần chơi chán, nó quay sang chửi, đánh tôi, cái thân già này sau những giờ lặn lội đi làm thuê làm mướn về lại bị chúng tra tấn. Khi khỏe thì tôi còn bỏ chạy thoát thân, lúc yếu không chạy nổi thì cứ kệ cho chúng đánh, chửi đến chán thì thôi. Khổ lắm!...
Nhiều lần phải nhờ hàng xóm nhốt lại nhưng người làm cha, đâu ai chịu được cảnh con vật vã trong đau đớn như thế đâu. Thà cứ để nó chửi rủa nhưng nó cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng hơn”.
Chưa dừng ở việc 2 con phát bệnh tâm thần, đến năm 2010, bà Quỳnh trong 1 cơn tai biến đã trở thành kẻ “tàn phế” khi không thể vận động được. Để rồi, sau bao lần chạy chữa không thành, cuộc đời người con gái một thời xinh đẹp ấy phải “đóng đinh” trên chiếc giường nồng nặc mùi khai vì không có người đưa bà ra ngoài đi vệ sinh khi cần.

Ước mơ của người chồng chưa một lần đưa vợ đi chữa bệnh
Bốn người con khoẻ mạnh của ông bà vì khó khăn mà sớm phải tha hương cầu thực rồi lập gia đình riêng. Kinh tế của những con người ăn không đến nơi, học không đến chốn cũng chỉ vừa đủ xoay xở cho gia đình riêng mà chẳng thể có phần lo cho cha mẹ và 2 em mắc bệnh tâm thần.
Vì thế nên ngoài khoản tiền trợ cấp ít ỏi, nguồn kinh tế của gia đình ông Sinh chỉ còn biết trông nhờ vào mấy thửa ruộng lúa và những lần ông đi làm thuê cho bà con trong làng. Song, chút sức lực cuối đời chẳng thể giúp ông có thể vừa đi làm kiếm tiền, vừa chăm 2 người bệnh tật trong nhà.
Từ nhiều năm qua, để có đủ tiền lo 3 bữa ăn trong ngày đã là cả vấn đề lớn, ông chưa dám nghĩ đến việc đưa vợ đi khám chữa bệnh, dẫu rằng mong muốn được đưa bà đi khám bệnh dù chỉ một lần trong đời. Cả cuộc đời tích cóp, gia đình ông chỉ mua được mỗi con trâu thì cũng đã phải bán gạt nợ đi từ lâu để có tiền mua thuốc cho con trai.
Nhìn cách ông chăm sóc cho bà Quỳnh, thực sự ít ai có thể cầm được nước mắt. Đôi bàn tay gầy guộc nhẹ nhàng lau trên khuôn mặt, gấp từng nếp chăn, cài từng chiếc cúc áo mà miệng lẩm bẩm trêu bà để bà bớt tủi thân. Nhưng ông trêu cứ việc trêu còn bà vẫn cứ đờ đẫn nhìn ra phía cánh đồng qua khe cửa mặc kệ những gì ông đang nói.
Nói về những dự định tương lai, ông ngồi ngẩn đi, nhìn về phía xa xăm mà im lặng. Nhưng có lẽ không chờ ông nói ra, bất cứ ai cũng có thể đoán được ít nhiều. Bởi ở cái hoàn cảnh đó, có lẽ ông đã quá mệt mỏi với những nỗi buồn, lo toan, khổ cực nên chẳng thể mong chờ điều gì xa xôi hơn. Để giờ đây, bữa cơm cũng trở thành nỗi lo lắng, chật vật đối với ông chứ chưa nói chuyện ông đi làm thuê gom đủ tiền đưa vợ đi khám chữa bệnh.
Bài và ảnh: Như Sương