Tỉnh hội đã có ba phòng trào. Một là, “Ngày vì đồng đội” xuất phát từ Chi hội bản Nả (xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên), mỗi hội viên tiết kiệm một khoản tiền để xóa nhà dột nát cho đồng đội. Thấy hiệu quả, chúng tôi nhân lên toàn tỉnh và xóa được 1.196 nhà tạm, tranh tre dột nát cho hội viên. Hai là, “Ba bỏ” (bỏ trồng cây thuốc phiện, bỏ tàng trữ, mua bán và bỏ nghiện hút tiêm chích ma túy); việc này giúp cho cả tỉnh cơ bản bỏ được trồng cây thuốc phiện và giảm tội phạm, tệ nạn từ ma túy. Ba là, phong trào “CCB chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng chất lượng cao và chống di, dịch cư”. Các cấp Hội trú trọng phát triển cây, con giống mới như trồng cây sơn tra, cây đậu tương trên đồi dốc, cây bưởi Đoan Hùng, hồng không hạt Lục Yên, cam đường canh Văn Chấn, gạo nếp Tú Lệ, quế Văn Yên, tre măng bát độ Trấn Yên… trong vườn tạp, cải tạo đất để cấy lúa 2 vụ; nuôi trâu, bò bán chăn thả, nuôi cá lồng, nuôi lợn rừng, nuôi nhím sinh sản, nuôi gà thịt an toàn sinh học… khiến cho bức tranh kinh tế CCB ngày thêm đa dạng.

Đại tá Hà Ngọc Huyên, Trưởng ban Tuyên giáo cho biết thêm: Ý chí không chịu đói nghèo cộng với ba phong trào trên, đời sống CCB có khá hơn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn trên 20% nhưng Hội CCB chỉ còn khoảng 8%. Tỉnh hội có 34 mô hình dân vận giỏi chủ yếu là vận động hội viên và bà con làm kinh tế, phát triển 175 doanh nghiệp, HTX, trang trại. Qua khảo sát có 620 hội viên sản xuất kinh doanh giỏi (trong đó có 42 hội viên giỏi cấp T.Ư, 78 hội viên giỏi cấp tỉnh). Các mô hình kinh tế đã tạo ra 37.276 việc làm mới và việc làm thêm cho các lao động. Chúng tôi được báo cáo điển hình tại Hội nghị CCB làm kinh tế giỏi lần thứ 2 và 3 do T.Ư Hội CCB Việt Nam tổ chức và UBND tỉnh tặng bằng khen trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Câu chuyện trở nên hấp dẫn mọi người khi Đại tá Đoàn Quốc Vinh, Chánh văn phòng Tỉnh hội “bật mí”: Hội tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp CCB phát triển như vay vốn, tạo việc làm, xin mặt bằng để hoạt động và giải quyết vướng mắc trong hành lang pháp lý… Do vậy, nhiều doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả như Công ty TNHH Hòa Bình, các doanh nghiệp Duyên Quý, Đại Lộc, Đại Vượng, Công ty Quang Thịnh cùng nhiều HTX khác, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở, giao thông nông thôn, giao thông đô thị và xây dựng đô thị như làm 145 km đường liên thôn, xã (có 37km được bê tông hóa), tu sửa nạo vét 67km kênh mương nội đồng. Công ty vàng bạc đá quý Thành Thu Bảo Tín thường xuyên tổ chức dạy nghề kim hoàn, mỗi lớp 20 người và thường nhận những cháu có hoàn cảnh khó khăn vào làm việc. Đối với các huyện, thị, thành phố, Hội tập huấn giảm nghèo cho huyện Văn Chấn, hoàn chỉnh hồ sơ cấp 240 triệu đồng (ngân sách Bộ Quốc phòng) cho các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên và TP Yên Bái xây dưng nhà tình nghĩa; hỗ trợ 2 triệu đồng cho huyện Trạm Tấu mua cây giống trồng 2 ha cây sơn tra theo mô hình quản lý mới…

Hội CCB xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên có vợ chồng CCB, thương binh Lê Văn Phương và Hoàng Thị Khiêm, Chi hội 3. Tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng ngoài việc ruộng vườn, ông bà còn nuôi trên 200 cặp thỏ sinh sản, mỗi năm trừ chi phí còn được 50 triệu đồng. Cũng ở Chi hội 3 có hội viên Nguyễn Đình Nhu, được tín chấp vay 30 triệu đồng đã mua sắm 4 lò quay, 2 cối vò chè rồi thu mua chè búp tươi của bà con trong vùng về chế biến. Từ tiền lãi của chè, anh đầu tư chăn nuôi lợn nái, lợn thương phẩm, mua phương tiện sản xuất đồ gỗ dân dụng; không những trả hết nợ mà còn thu lãi mỗi năm 150 triệu đồng. Bên Chi hội 4 thì hội viên Phạm Xuân Kiều, từ tiền vay vốn đã xây dựng 200m2 nhà xưởng với máy cưa, máy bóc gỗ và huy động từ 5 - 7 lao động; trong vòng 2 năm đã trả hết nợ, thu trên 100 triệu đồng.

Cùng đi với chúng tôi, Đại tá Lê Viết Thuận, Phó chủ tịch Thường trực Tỉnh hội bây giờ mới lên tiếng: CCB làm kinh tế không phải cho có phong trào mà phải lấy lợi nhuận là gốc, trong đó tổ chức Hội phải là chỗ dựa tin cậy cho hội viên và các doanh nghiệp làm ăn. Phát triển kinh tế là tạo sân chơi bổ ích cho hội viên, anh em trao đổi kinh nghiệm, giao thương hàng hóa, huy động nguồn vốn và khơi dậy tình cảm người lính; thông qua đó thúc đẩy phong trào phát triển, xây dựng tổ chức Hội. Chính vì lẽ đó mà năm 2011, Hội CCB tỉnh Yên Bái được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất. Tôi đã bắt tay chúc mừng và cảm phục các anh, đây thực sự là một điểm sáng của núi rừng Tây Bắc.

Bài và ảnh: Xương Giang