Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra chiều 26/6, tại Hà Nội. Báo cáo của các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cho thấy, trong khi dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng trên gia súc được khống chế thì dịch lợn tai xanh tiếp tục diễn biến phức tạp. Chỉ trong vòng 2 tuần qua trên cả nước tiếp tục ghi nhận thêm 3 tỉnh, thành xuất hiện dịch tai xanh gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội. Đáng lưu ý là sau khi xuất hiện tại miền Bắc ở tỉnh Điện Biên đến nay dịch lợn tai xanh lây lan ra các tỉnh, thành phía Nam. Ổ dịch tai xanh đầu tiên được phát hiện tại miền Bắc đến nay sau hơn 4 tháng dịch vẫn tiếp tục lây lan và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các chuyên gia cảnh báo, nếu công tác vận chuyển gia súc mắc bệnh còn bị buông lỏng, việc chống dịch của địa phương không quyết liệt thì nguy cơ dịch tai xanh tiếp tục lây lan ở Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ là rất cao…. Để hỗ trợ các địa phương chống dịch, đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp gần 300.000 liều vắc xin tai xanh cho các địa phương. Đồng thời cử cán bộ xuống cơ sở trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch. Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh: Công tác trọng tâm trong phòng chống dịch trên gia súc gia cầm hiện nay là chống dịch lợn tai xanh. Các tỉnh thành gồm: Bạc Liêu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Nội và Bình Dương cần quyết liệt triển khai các biện pháp chống dịch, tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch và chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm quản lý chặt ổ dịch, tạm thời cấm vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn tại các huyện có dịch, tổ chức thường xuyên tiêu độc khử trùng môi trường, không để dịch lây lan… Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cũng đề nghị thành viên Ban chỉ đạo phụ trách ngành Công an, Công Thương vào cuộc truy quét các “đầu nậu” thu mua lợn bệnh và các sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới ngăn chặn dịch lây lan; các địa phương đang xuất hiện dịch cần nghiêm túc triển khai các biện pháp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm trong chống dịch. Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đề nghị Cục Chăn nuôi phối hợp với Cục Thú y giám sát diễn biến dịch ở 3 tỉnh là Hà Nội, Điện Biên, Lạng Sơn báo cáo tình hình dịch cho lãnh đạo Bộ để kịp thời xử lý, tránh như ở Lạng Sơn là buông lỏng việc quản lý vận chuyển và giết mổ gia súc. Nếu chúng ta không làm quyết liệt thì rất dễ dịch sẽ tiếp tục lây lan từ các địa phương này ra các tỉnh khác. Về vấn đề phòng chống buôn lậu, kiểm soát “thịt thối”, chất cấm, Cục thú y chuẩn bị văn bản đề nghị Bộ Công an vào cuộc để kiểm soát tốt chất lượng thực phẩm. Hải Anh (TH)