Các o phần lớn quê Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An. Ngay từ những ngày đầu, thủ trưởng của hai đơn vị đã tổ chức lễ kết nghĩa Bộ đội công binh và nữ TNXP. Tuy tên gọi khác nhau nhưng chúng tôi cùng chung nhiệm vụ: Tham gia chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn - mở đường thắng lợi”. Gian khổ không phải nói nhưng vui vì cánh lính trẻ công binh chúng tôi được ở cạnh đơn vị nữ TNXP dễ mến, dễ thương, lúc nào cũng lạc quan, yêu đời ngay trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, đầy nắng và gió.
Không biết bằng cách nào mà các o TNXP biết được danh tính và quê quán tụi tôi. Các o đã sớm “nặn” ra được những câu vè, vần thơ để trêu chọc, gây nên những tiếng cười sảng khoái. Cánh công binh chúng tôi toàn lính trẻ, mặt búng ra sữa, đến từ các tỉnh và thành phố Hà Nội, Nam Hà (cũ), Thái Bình, Hải Dương và Hà Bắc (cũ). Hai đơn vị đóng quân cách nhau chỉ một con suối nhỏ, bên này là Khe Do, bên kia Cù Mẹ, Cù Con. Cứ sáng ra, sau tiếng hót báo thức của bầy vượn, là tiếng cười, tiếng hát của các o TNXP, sôi nổi nhất là tiểu đội của o Thắm. Các cụ ví chẳng sai: “Ở đâu có 3 người đàn bà là như một cái chợ” vậy nên cứ bảnh mắt ra, cánh o Đào, o Trang, o Tuyết đã í ới gọi sang trêu chọc “Mấy anh Hà chuồn, Nam lủi, Thái Bình bay ơi, trỗi dậy ăn con củ rồi đi đồng”. Bên tôi, thằng Khánh, người Hà Nội cũng chẳng vừa, nhái lại bằng cái giọng: “Chém cha không bằng pha tiếng”: “Đi mô mà vội rứa hả mấy “vợ”. Thế là cuộc đối đáp thêm sôi nổi hẳn lên. Lại tiếng o Đào chua loét mà Khánh đã gán cho cái biệt danh là “vượn non”: “Anh Khánh ơi, mần chi mà đứng bên ni ngó bên tê rứa, bọn C3 nó bảo: “Trai Hà Nội nhảy tàu như hổ, vắng anh nuôi nhẩy bổ vào kho, làm luôn một miếng thịt bò, mang ra cổng hậu ăn no lại chuồn”. Chuỗi cười vô tư lại vang lên, tiếp đến tiếng o Quế ở Nghệ An: “Này mấy chú lính nhí ơi, có can đảm tối nay sang bên tê tụi tôi làm đám cưới cho. Bên tê gả o nào cho bên ni rứa, gả o Đào mập cho mấy cha đó, thôi để nhường cho con Thắm nó chưa có người yêu. Còn tui đã có chồng chưa cưới ở bên Tây Trường Sơn rồi”. Lại những tiến cười khúc khích và tiếng đấm nhau thùm thụp. Những chuyện vui ấy làm cho tâm hồn lính trẻ chúng tôi đỡ nhớ nhà và khỏa lấp những gian khổ mệt nhọc, động viên nhau quên đi cái chết có thể ập xuống bất cứ lúc nào.
Lính công binh chúng tôi thường “Ngủ ngày cày đêm”, nhiệm vụ chính là phá bom mìn, làm đường và hầm trú ẩn cho xe vận tải chở khí tài đạn dược vào tuyến lửa. Còn các o TNXP thì gùi hàng, làm giao liên dẫn đường, đưa bộ đội qua từng binh trạm.
Những hôm trời quang mây tạnh, máy bay trinh sát của địch loại IL 19 hoạt động ráo riết, chúng tôi phải nằm bất động kẻo lộ mục tiêu. Đại đội trưởng Thành dẫn A3 chúng tôi đi đánh cá về cải thiện ăn tươi cho đơn vị. Đại đội trưởng Thành quê ở vùng biển Thái Bình nên đánh cá rất giỏi, chỉ cần 1/4 thỏi thuốc nổ TNT là có thể đánh được hàng tạ cá. Thế nên cánh lính trẻ thường nói vui: “Đại đội trưởng là “rái cá” của Trường Sơn”. Cá đánh được chúng tôi chia cho đơn vị kết nghĩa. Các o vui lắm và tấm tắc khen, không ngờ suối Trường Sơn lại có nhiều cá đến vậy. Cũng sau những ngày tháng đẹp đẽ ấy, hai đơn vị chúng tôi phải tạm chia tay nhau vì đơn vị tôi phải vào sâu để chuẩn bị cho chiến dịch mở màn trận đánh từ Gia Lai, Kon Tum rồi Bù Đăng, Bù Đốp, Giàu Tiếng, Tây Ninh xuống miền Đông Nam bộ. Đơn vị nữ TNXP phải đảm nhận trọng trách đảm bảo thông đường cho đường mòn Hồ Chí Minh từ Phong Nha Kẻ Bàng vào tới Sông Bạc.
Đúng 11 giờ trưa ngày 30-4-1975, chiến dịch Mùa xuân đại thắng, đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai bán nước đã đầu hàng vô điều kiện.
Chúng tôi gặp lại nữ TNXP kết nghĩa, gặp lại những gương mặt vui tính, hay đùa, hay cười, hay hát. Nhưng sao không thấy o Đào, o Trang, o Tuyết và cả hai giọng ca vàng o Nhàn và o Ngân cùng với gần hai chục nữ TNXP tuổi đời còn trẻ, còn biết bao ước mơ, hoài bão và cả những hẹn hò sau ngày chiến thắng sẽ xây tổ uyên ương, chưa một lần được hưởng một nụ hôn đích thực. Họ đã nằm lại Trường Sơn cùng với những chiến sĩ công binh trẻ hay đùa tếu như: Khánh lém, Đức vẩu, Hải lùn, Ngọc kều và đại đội trưởng Thành vô cùng thân kính. Dẫu không bao giờ còn được gặp lại họ nhưng những câu đùa, những giọng ca còn đọng mãi trong tôi. Quên sao được những giai điệu của bài ca “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” hay “Người đi xây Hồ Kẻ Gỗ” do o Đào, o Thắm hát, rồi câu gọi í ới sau buổi sáng dạy của o Tuyết, o Trang: “Các anh Hà chuồn, Nam lủi, Thái Bình bay ơi...”. Gần 40 năm mà vẫn còn đọng mãi trong tôi.
Hôm này đoàn bộ đội Trường Sơn về thăm chiến trường xưa. Đứng trước mộ hàng chục ngàn anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn, thắp một nén hương, tôi thành kính tri ân cùng các bạn. Bỗng tôi sực nhớ câu nói của o Đào “Đứng bên ni, ngó bên tê” và bây giờ tôi đang lặng người, đứng bên ni, ngó bên tê hàng tiếng đồng hồ, chỉ thấy bóng dáng đồng đội trong ký ức. Chợt nhớ câu nói của Khánh lém, “Đi mô mà vội rứa”, sao mà thấm thía, sao mà trân trọng đến thế và nhớ thương đến thế.
Bài và ảnh: Hồng Ánh Phê