Năm 1983 xuất ngũ về địa phương, anh theo cha làm nghề thợ rèn, làm liềm, hái, dao, cuốc phục vụ bà con nông dân. Nhưng gắn bó với đe – búa, may ra chỉ đủ ăn, lấy đâu tích lũy. Năm 1984, anh xin vào Công ty cơ khí vận tải Toàn Thắng, nhưng nơi này làm ăn thua lỗ, bị phá sản, anh lại quay về với nghề truyền thống của gia đình. Không chịu nổi cái nghèo đeo đẳng, năm 1992, anh vận động một số CCB, CQN và anh em công nhân của Công ty Toàn Thắng cũ góp vốn xin thành lập tổ hợp cơ khí, mua sắm thêm máy móc, dụng cụ và cùng với việc phát huy nghề rèn, tổ phát triển thêm dịch vụ sửa chữa động cơ ô tô, lắp ráp xe công nông và máy cơ khí nông nghiệp.

Tổ hợp của anh ra đời đúng lúc đất nước, quê hương bước vào thời kỳ đổi mới, “tam nông” đang được cổ vũ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nên ngành cơ khí rất được coi trọng. Nhất là từ năm 1997, khi tỉnh Hà Nam được tái lập, nhiều công trình, nhiều nhà dân được xây dựng, tổ hợp còn nhận gia công lắp đặt không chỉ trong địa bàn mà ngày càng vươn xa; tổ mạnh dạn mua thêm 4 ô tô và nhiều máy móc thiết bị mới và để có tư cách pháp nhân trong giao dịch với bạn hàng, Ngô Cảnh Toàn xin phép thành lập Công ty TNHH Thanh Sơn do chính anh làm giám đốc.

Với số vốn điều lệ 7 tỉ đồng, không ngừng đổi mới công nghệ, chú tâm tuyển dụng và trau dồi tay nghề cho công nhân, nên công ty không chỉ dừng lại ở địa phương, mà vươn tới nhận thầu các công trình ngoài tỉnh, như lắp dựng toàn bộ hệ thống kèo thép Nhà máy giày Thượng Đình (Hà Nội); xây dựng đường cáp quang bưu điện Nam Sách, Tứ Kỳ, Hải Dương; thi công trung tâm giống thủy sản ở TP Nam Định…

Để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, đảm bảo chất lượng công trình, anh rất chú ý khâu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động theo phương thức vừa học, vừa làm. Riêng anh vừa điều hành sản xuất kinh doanh, vừa chăm học tại chức và đã được cấp bằng trung cấp chế tạo máy và cả bằng trung cấp xây dựng. Hiện công ty có hơn 100 lao động, trong đó có 72 người là CCB, con em CCB, gồm 1 kỹ sư chế tạo máy, 1 kỹ sư xây dựng, 5 công nhân kĩ thuật, 20 thợ cơ khí lành nghề. Doanh thu hằng năm của công ty trung bình đạt 11 tỉ đồng, đóng thuế cho Nhà nước 436 triệu đồng và hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động từ thiện.

Ngô Cảnh Toàn rút ra được bài học thành công gì trong bấy nhiêu năm kinh doanh sản xuất? Anh không phủ nhận ý chí vươn lên của bản thân, song anh cho rằng nguyên nhân quan trọng là nhờ sự đoàn kết đồng cam cộng khổ cùng chung sức chung lòng của các CCB, CQN và anh em trong công ty… Chính từ nhận thức đó, nên anh thường xuyên chăm lo tốt đời sống vật chất lẫn tinh thần cho công nhân, chi trả lương đầy đủ kịp thời, thưởng năng suất, chất lượng chu đáo, thăm hỏi từng người khi ốm đau, khi gia đình có việc buồn vui, hàng năm đều có kế hoạch cho anh em đi tham quan, du lịch, nghỉ mát.

NGUYỄN PHÚC ẤM