...Vào cao điểm mùa khô 1969-1970, khi không quân Mỹ tập trung đánh phá, chặn cắt các trục vượt khẩu trên tuyến chi viện Trường Sơn, thì đường 20 Quyết Thắng luôn là mục tiêu số 1. Cũng vì vậy, thời gian này, nhiều đồng đội rất đỗi thân thương của Đại đội 1 và Tiểu đoàn 52 của chúng tôi đã anh dũng hy sinh.

Trong một đêm chỉ huy đơn vị chuyển hàng vượt cua Chữ A thuộc tập đoàn trọng điểm ATP, trên đường 20 (khi đó tôi là Chính trị viên Đại đội 1), xe đồng chí Gọt vì “non” cua nên rệ xuống hố bom. Tôi cho bắn ba phát AK, báo hiệu tắc đường. Lập tức có ngay vị “cứu tinh” là Vũ Tiến Đề - cán bộ đại đội công binh, đang chỉ huy tổ máy húc trực cứu kéo trên trọng điểm. Tôi khẩn thiết đề nghị:

- Anh Đề giúp chúng tôi. Xe Gọt đang nằm trên trọng điểm. Không kéo ra ngay thì làm mồi cho máy bay địch mất. Chúng vẫn thả pháo sáng ở cua Chữ A.

Đề nói đúng 5 từ: “Anh yên tâm, để tôi!”, rồi ngay lập tức nhảy lên máy húc khởi động phạch... phạch... Cỗ máy húc lầm lũi tiến ra trọng điểm. Cùng lúc, anh em chúng tôi nhảy xuống hố bom bới đất, móc dây cáp. Một lúc sau thì xe của Gọt được kéo khỏi hố bom.

Cảm ơn và chia tay Vũ Tiến Đề, đội hình xe tiếp tục hành trình. Qua đèo Phu La Nhích, đến gần trọng điểm Chà Là, thì máy bay địch ào đến rải bom. Thấy ánh chớp nhì nhằng và tiếng nổ ran đều, biết là bom bi, tôi lệnh cho anh em chạy tiếp. Tiến thêm vài trăm mét, thấy một xe dừng ở phía trước; tôi bảo Lê Văn Trà (lái xe) ngồi yên trên xe, rồi nhảy xuống, chạy lên hỏi dồn:

- Xe Thất (Nông Văn Thất - người Cao Bằng) phải không, người và xe có sao không mà dừng lại?

- Xe trúng bom bi anh ạ, thằng Khánh bị thương nặng lắm.

Tôi nhào tới, mở cánh của buồng lái, thì Khánh đổ cả người vào tôi, máu trào ra từ hai lỗ thủng ở ngực em. Từ hai lỗ thủng ấy, tôi nghe tiếng phì… phì. Chắc là vết thương thấu phổi. Ngay lập tức, Trà đỡ để tôi ngồi ôm lấy Khánh. Tôi bảo Thất phóng xe thật nhanh, may ra đến Lùm Bùm kịp cấp cứu. Nhưng xe chạy được một quãng đến cây số 19 thì Khánh tắt thở và ngã hẳn vào tôi. Em mất trên tay tôi mà không một lời trăng trối! Thất dừng xe, chúng tôi đứng lặng bên nhau, không tin là Khánh đã hy sinh. Nhiệm vụ và chiến sự đang nóng bỏng, không cho phép chúng tôi dùng giằng trên trọng điểm. Để Thất tiếp tục bám đơn vị. Tôi và Trà bế Khánh về xe mình rồi đưa đến một trạm trực của công binh, nhưng oái oăm lúc đó không có người trực.

Theo quy định của Bộ Tư lệnh 559, khi các đơn vị hành quân hoặc chuyển hàng qua tuyến, nếu có người hy sinh, sẽ giao lại cho công binh chôn cất, nếu là thương binh thì đưa đi cứu chữa. Chờ một lúc, thì xe của Lê Hồng Huân (Đại đội 4) lên. Dừng xe, Huân lo lắng hỏi:

- Có chuyện gì mà anh dừng ở đây, anh em đâu cả rồi anh?

- Khánh hy sinh rồi - tôi nói nhỏ - mình chờ công binh nhờ các anh ấy mai táng, nhưng chưa thấy. Đơn vị đã đi cả, nhưng không thể để Khánh lại đây một mình. Không khéo lại trúng tọa độ lần nữa thì khổ!

- Đúng anh ạ, ta tìm hầm đưa tạm cậu ấy xuống - Huân tiếp lời tôi.

Tìm được hầm, chúng tôi đưa Khánh xuống. Một lúc sau, mấy chiến sĩ thuộc Đại đội 24 công binh hộc tốc chạy lại. Một anh vừa thở vừa nói:

- Các anh thông cảm, chúng em vừa về tới lán thì nhận điện báo từ Ca Tốc là có tử sĩ ở đây, anh Tuấn đang chờ công binh, nên chạy ra ngay. Nhưng khổ một nỗi là các anh ở dưới hầm, tìm mãi mới thấy.

Chúng tôi loay hoay đưa Khánh lên khỏi hầm. Mới đặt em dưới hầm một lúc mà thi thể đã cứng lại, hầm lại chật, nên đưa lên hơi khó. Sợ em đau, chúng tôi lựa lách một lúc mới đưa lên được. Cùng lúc, xe của anh Giang Văn Phấn - Chính trị viên phó đại đội chạy tới; tôi phân công anh Phấn ở lại cùng với công binh tổ chức chôn cất Khánh, còn tôi khẩn trương đuổi theo đội hình xe của đại đội. Tôi không quên dặn anh Phấn tổ chức mai táng Khánh chu đáo, vẽ sơ đồ mộ chí cẩn thận để sau này dễ tìm kiếm, cất bốc.

Xe của tôi và Lê Văn Trà cùng xe của Doãn Tiến Phượng chạy tiếp, qua Cốc Mạc, đến cây số 68 - gần bản Văng Viêng, lại thấy một xe bất động phía trước, bao trùm là một quầng khói bụi của một trận bom vừa xong. Tôi xuống xe, chạy lên thì thấy xe của Phạm Văn Hộ trúng bom bi. Hộ đã hy sinh. Hộ quê Thanh Hóa - một thanh niên hiền lành nhưng rất dí dỏm, được mọi người quý mến. Để trọn nghĩa với đồng đội đã mất, tôi giao nhiệm vụ cho Trung đội trưởng Lục đi cùng xe chở hàng theo đội hình, còn tôi và lái phụ Dần ở lại cùng với công binh đảm trách cung đường Điện Biên, tổ chức mai táng Hộ.

Anh em công binh dùng ván xẻ sẵn để đóng quan tài cho Hộ. Sau đó, chúng tôi đưa em ra một khu đất đã có vài chục nấm mộ, lớp đã cũ, lớp còn tươi màu đất. Không hương, không hoa, không nghi lễ... chúng tôi lẳng lặng vun vén cho em một nấm mồ nhỏ; lòng thầm nghĩ những giọt nước mắt âm thầm trong đêm của chúng tôi rơi xuống nấm đất này sẽ ủ ấm lòng em!  

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn kể, Duy Tường ghi