Dự án BOT cao tốc 5B đã góp phần quan trọng giải quyết khó khăn giao thông giữa Hà Nội - Hải phòng và Quảng Ninh.

Theo kế hoạch, tháng 10-2019, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gọi tắt là PPP). Mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện ở Việt Nam từ năm 1997, khi Chính phủ ban hành Nghị định 77-CP về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước. PPP là hình thức đầu tư thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, thực hiện dự án xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Đầu tư theo phương thức này rất quan trọng và cần thiết đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bởi nó huy động được nguồn vốn tiềm tàng từ khu vực tư nhân vào phát triển hạ tầng. Trong khi nguồn tài chính của Nhà nước không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Sau 20 năm thực hiện PPP, Việt Nam đã thu được những kết quả quan trọng, giải quyết được một phần vấn đề vốn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng còn những hạn chế, bất cập. Nhất là trong thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức hợp tác công tư - BOT. Chúng ta phấn khởi khi được lưu thông trên những con đường cao tốc, nhưng cũng còn không ít những lùm xùm, tai tiếng xung quanh chuyện BOT như ở các dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Mỹ Lộc (Nam Định) hay Kiến Xương (Thái Bình)… Phải khẳng định là chủ trương thực hiện PPP nói chung và BOT nói riêng của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, nhưng với những dự án “tai tiếng” thì cách làm, cách triển khai chưa thực sự “hợp lòng dân”. Để giải quyết được những khó khăn, bảo đảm hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước và nhà đầu tư thì có rất nhiều việc phải làm và nhất định phải làm để tiếp tục thu hút và phát huy được nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Đây không còn là vấn đề của một dự án, một doanh nghiệp, một ngành, chuyện kinh tế đơn thuần với lỗ - lãi thông thường, mà là chuyện của chính sách quốc gia. Những bài học thu được trong quá trình đầu tư, thực hiện PPP thời gian qua cần phải được đưa vào điều chỉnh quá trình thực hiện PPP tiếp theo.

Từ thực tế nêu trên đặt ra yêu cầu cần sớm có Luật về hợp tác công tư – PPP để thể chế hóa các nội dung về PPP. Cần xác định qui mô dự án, những qui định về công tác công bố dự án, lựa chọn chủ đầu tư; các qui định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư và quyết toán dự án… Dự thảo Luật đầu tư PPP đã được đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và đầu tư để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội trước khi trình Quốc hội vào tháng 10 tới.

Để hướng tới một cách nhìn nhận thống nhất, khách quan về BOT, tiến dần tới sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện, ngày 4-9-2019, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng”. Tham dự Hội thảo, có lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, đại diện các Bộ, ban, ngành T.Ư cùng với các nhà khoa học, các nhà đầu tư, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Các tham luận và ý kiến tại Hội thảo đã nêu lên thực tiễn sinh động, những kiến nghị sâu sắc có tính xây dựng cao. Bàn thảo về một vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều và những mâu thuẫn về lợi ích cụ thể quả là không đơn giản. Tại diễn đàn hội thảo, các vấn đề được đưa ra một cách thẳng thắn, xây dựng của các nhà đầu tư, các chuyên gia xây dựng, đại diện ngân hàng, kiểm toán, luật pháp, báo chí… Không chỉ nêu kết quả, cái làm được mà còn cả những hạn chế, yếu kém  của nhà đầu tư, cơ quan quản lý và truyền thông, báo chí. Tất cả đều hướng đến sự nhận thức đúng đắn, tạo sự đồng thuận để gỡ khó, gỡ rối và cùng nhau đóng góp xây dựng cho dự thảo Luật Đầu tư PPP.

Với các dự án “có vấn đề” dẫn tới vụ việc thì hầu như tính minh bạch thực hiện chưa tốt trong các khâu, các bước thực hiện. Kém minh bạch thì dẫn đến mất lòng tin và từ đó mọi việc tiêu cực nảy sinh, định kiến với BOT của xã hội vì thế mà tăng lên. Báo chí đã phát huy chức năng giám sát xã hội bằng việc cảnh báo, phát hiện những lệch lạc, tiêu cực trong quá trình thực hiện BOT. Nhưng việc biểu dương những dự án lớn được thực hiện tốt thì chưa nhiều. Một số bài báo phản ánh chưa toàn diện, chưa đúng bản chất nên bị các thế lực chống đối lợi dụng mạng xã hội kích động. Do đó, nhiều vụ việc bị thổi phồng và đẩy đi quá xa, khó kiểm soát. Vì vậy, không chỉ người viết mà cả người đọc, nghe cũng cần tỉnh táo để phân biệt cho đúng liều lượng thật giả của thông tin trứơc khi đưa ra chính kiến và hành động của mình. Chúng ta mong muốn và phấn đấu cho sự minh bạch, tuân thủ luật pháp của các dự án PPP; đồng thời cũng mong huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân nhiều hơn để có thêm nhiều dự án PPP hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Điều đó sẽ được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả hơn khi tới đây, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP.

Quang Vũ