Tàu sân bay INS Vikrant ra khơi trong chuyến chạy thử ngày 25-8.
Năm 2015, Hải quân Ấn Độ xuất bản một tài liệu mang tên: "Đảm bảo vùng biển an toàn: Chiến lược an ninh hàng hải của Ấn Độ", trong đó, phác thảo vai trò của các tàu sân bay trong chiến lược hải quân của nước này. Chiến lược đó đã được định hình rõ hơn khi New Dehli đưa vào biên chế tàu sân bay nội địa đầu tiên ngày 2-9 vừa qua, ghi dấu ấn về một bước đi chiến lược của Ấn Độ trong khu vực.
Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi đã chính thức tuyên bố biên chế tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên INS Vikrant, trị giá hơn 2,5 tỷ USD,cho lực lượng hải quân, tại Nhà máy đóng tàu Cochin - nơi ra đời của chiến hạm này. Đây là con tàu lớn nhất trong lịch sử hàng hải Ấn Độ được đóng trong nước. Nhân sự kiện này, Thủ tướng Modi đã công bố Cờ hiệu hải quân mới, nhằm loại bỏ quá khứ thuộc địa và thể hiện di sản hàng hải phong phú của Ấn Độ. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Modi nhấn mạnh: “Ngày nay, Ấn Độ đã xóa bỏ dấu vết nô lệ, gánh nặng của nô lệ. Hải quân Ấn Độ đã có một lá cờ mới từ hôm nay. Lá cờ này sẽ tung bay trên biển và trên bầu trời”. Bên cạnh đó, ông tuyên bố Hải quân Ấn Độ đã quyết định mở cửa chào đón phụ nữ tham gia lực lượng này.
Theo giới quan sát, việc đưa tàu Vikrant vào vận hành có hai ý nghĩa lớn lao. Thứ nhất, đâyđược coi là một bước tiến quan trọng về năng lực tự cường của Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng. Chiến hạm được chế tạo bằng thiết bị và máy móc bản địa do các nhà công nghiệp lớn cùng hơn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ấn Độ cung cấp. Cho dù chỉ có 75% thành phần của tàu Vikrant được chế tạo trong nước thìẤn Độ đã đủ khả năng gia nhập nhóm các quốc gia có khả năng thiết kế và đóng tàu sân bay. Xem thông số của Vikrant sẽ thấy rõ: Tàu Vikrant được trang bị các máy bay chiến đấu gồm MiG 29K, trực thăng Kamov-31 và trực thăng đa nhiệm HM-60R trên mặt sàn đáp rộng bằng 2 sân bóng đá. Với hơn 2.300 khoang, tàu đủ sức chứa khoảng 1.700 thành viên thủy thủ đoàn. Ngoài ra tàu còn có các khoang chuyên dụng cho các sĩ quan nữ. Vikrant có tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ (51,8 km/h), tốc độ hành trình 18 hải lý/giờ (33,3km/h) và có khả năng di chuyển liên tục khoảng 7.500 hải lý. Ngoài ra, tàu Vikrant còn được lắp đặt 8 máy phát điện đủ để thắp sáng thành phố Kochi cùng một tổ hợp bệnh viện chuyên dụng với đầy đủ các trang thiết bị.
Thứ hai, và quan trọng hơn, tàu sân bay Vikrant được cho là sẽ đóng vai trò củng cố vị thế của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương. Thủ tướng Modi ngày 2-9 nhận định quan ngại về an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương bị phớt lờ quá lâu. "Khu vực này ngày nay là một ưu tiên quốc phòng lớn của đất nước chúng tôi, do đó chúng tôi đang hành động theo mọi hướng, từ tăng ngân sách cho hải quân cho tới nâng cao năng lực của quân chủng" - ông Modi nói.
Như vậy, những ưu tiên của Ấn Độ là công khai khi được chính Thủ tướng Modi đề cập và được thể hiện rõ trong Chiến lược an ninh hàng hải của Ấn Độ khi nó ghi nhận vị trí trung tâm của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương nằm trên các tuyến đường vận chuyển quốc tế chính và các điểm tắc nghẽn khác. Điều này cho thấy sự phụ thuộc kinh tế của Ấn Độ vào khu vực Ấn Độ Dương, với 93% nhu cầu dầu khí của nước này được vận chuyển qua đường biển hoặc các mỏ dầu khí ngoài khơi. Chiến lược cũng lưu ý rằng, 90% thương mại quốc tế của Ấn Độ theo khối lượng và 70% giá trị được vận chuyển bằng đường biển...
Với hai tàu sân bay cùng nhiều tàu chiến hiện đại khác, Ấn Độ ngày càng khẳng định sức mạnh trong khu vực. Đáng mừng, là sự trỗi dậy khẳng định vị trí của Ấn Độ luôn được các quốc gia chào đón bởi truyền thống hoà hiếu của Ấn Độ đã chiếm được niềm tin của cộng đồng quốc tế, không như một số quốc gia khác đem sức mạnh quân sự và kinh tế ra để ức hiếp láng giềng, gây bất an cho khu vực.
Thanh Huyền