Tác giả (trái) trước Đài tưởng niệm - ngôi mộ chung của các liệt sĩ trong Thành cổ Quảng Trị.

Đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2023, cùng nhóm bạn bè từng công tác tại Học viện Phòng không, tôi may mắn một lần nữa được hành hương về Quảng Trị.

Có thể nói, lịch sử hào hùng mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam được viết nên từ những trang vàng của hàng trăm, hàng ngàn vùng đất, miền quê trung kiên bất khuất. Tỉnh Quảng Trị là một miền quê như vậy. Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Quảng Trị là nơi gánh chịu nhiều đau thương, mất mát nhất. Cả tỉnh có 18.841 liệt sĩ, 14.199 thương binh, bệnh binh, 1.031 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 84 Anh hùng, 14.873 Người có công với cách mạng.

Về với Quảng Trị là về với một vùng đất anh hùng, với những địa danh Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đông Hà, Cửa Việt, Khe Sanh, Làng Vây... Những địa danh đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; của khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước - nay là những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Về với Quảng Trị, không thể không đến 3 Di tích cấp quốc gia: Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Đến Thành cổ Quảng Trị, thật khó tưởng tượng rằng qua 81 ngày đêm chốt giữ trong “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972, trung bình mỗi chiến sĩ ở đây phải hứng chịu trên 100 quả bom, 200 quả đạn pháo của địch. Toà thành có chu vi hơn 2.000m và rộng chưa đầy 3km2, đến một viên gạch cũng không còn nguyên vẹn. Để bảo vệ Thành cổ, hàng nghìn liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống, đem theo bao ước nguyện của tuổi thanh xuân. Xương máu của các anh -  chị đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất Quảng Trị. Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khát vọng độc lập tự do, thống nhất đất nước của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Hôm nay, chiến tranh đã lùi xa non thế kỷ, song chúng tôi vẫn không khỏi sững sờ khi đặt chân vào Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 - nơi yên nghỉ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ với đầy đủ của ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nơi yên nghỉ vĩnh hằng, nơi tưởng niệm và tôn vinh 10.263 người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng ngã xuống trên các nẻo đường Trường Sơn những năm xưa.

Đi qua từng tấc đất thấm máu các liệt sĩ, dừng bước nghiêng mình trước các tượng đài uy nghiêm vời vợi, trong chúng tôi trào dâng niềm tự hào lớn lao và nỗi thương nhớ khôn nguôi đối với những người con trung hiếu của dân tộc đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Vì ruộng đồng loang lổ hố bom còn có thể lấp đầy; nhà cửa làng mạc bị tàn phá đã xây dựng lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; dòng Thạch Hãn đã trở lại trong xanh; còn các anh, các chị đã nằm xuống thì mãi không bao giờ trở lại.

Một thời trai trẻ, các anh, các chị đã sống, chiến đấu và mãi ra đi với lí tưởng cao đẹp “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Nay an nghỉ trong lòng Đất Mẹ, hẳn các anh chị yên lòng vì sự hy sinh của các anh, chị đã mang lại cho đất nước những mùa hoa thơm trái ngọt. Các anh, các chị đã hoá thân vào độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Tên các anh, các chị xin được tạc vào bia đá, xin được viết lên trời xanh, xin được ghi tâm khắc cốt! Hãy để Đất Mẹ yên lành ngàn thu ru giấc! Hãy để trời xanh hoà bình toả bóng mát chở che!

Nhìn tên các anh các chị được khắc trên bia đá, chúng tôi càng hiểu sâu sắc hơn con đường mà nhân dân ta đã đi qua không phải dễ dàng bằng phẳng, mà từng li từng tấc được đắp lên bằng máu xương của bao thế hệ và của bao người con trung nghĩa ở khắp mọi miền đất nước. Một nén tâm nhang, cầu cho hương hồn các anh, các chị siêu thoát, luôn quyện toả cùng sông núi, ruộng đồng, biển rộng, trời xanh; tiếp sức lực cho đồng bào, đồng chí, đồng đội và muôn thế hệ người Việt Nam chúng ta vượt qua mọi gian lao thử thách, mạnh mẽ tiến lên, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho mỗi người, mỗi gia đình và cho cả nước.

Xin các anh, các chị hãy yên lòng. Hành trình của các anh, các chị và hàng ngàn, hàng vạn người con ưu tú của dân tộc ngã xuống nơi đây đang được tiếp tục một cách xứng đáng. Lý tưởng của các anh, các chị được tiếp nối bằng công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đang đơm hoa kết trái trên mọi vùng đất của Tổ quốc.

Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị. Và trong không gian mênh mông của ngày hè rực lửa, dường như vang lên những câu thơ day dứt lòng người mà tôi từng được đọc trên một trang báo: “Thời gian trôi, nhưng năm tháng không nguôi/ Hãy để cho chúng tôi được khóc/ Chúng tôi sum vầy, còn các anh nơi đâu?/ Gió ở đây hình như mạnh hơn/ Đất ở đây hình như đỏ hơn/ Hương khói trắng và lòng ta trắng lặng/Đồng đội ơi! Chớp bể mưa nguồn”!

Khôi Nguyên