Trong những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 75 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam thì ở trước cổng Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) có nhiều xe thương binh đứng vây kín, căng băng rôn yêu cầu giải quyết quyền lợi.

Theo Hợp tác xã Thương binh nặng 27/7, việc HTX tổ chức xe thương binh vây Tổng công ty là để phản đối việc HABECO thông báo chấm dứt Hợp đồng mua bán bã bia giữa HABECO và Hợp tác xã Thương binh nặng 27/7. Phía HABECO thì giải thích: Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 đến hết ngày 31-12-2019, nên việc Công ty thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng là đúng luật.

Dù cho bên nào đúng đi chăng nữa thì hành động tổ chức xe thương binh vây kín Công ty đã ảnh hưởng đến an ninh và trật tự xã hội, gây hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đã là hợp đồng kinh tế, Hợp tác xã Thương binh nặng 27/7 phải đàm phán, thỏa thuận theo quy định của luật pháp. Hành động dùng xe thương binh gây ảnh hưởng đến xã hội rõ ràng đã tạo ra hình ảnh không đẹp về CCB, về Bộ đội Cụ Hồ trong mắt nhân dân. Trước đó, trong dịp mua vé xem bóng đá tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, người dân cũng rất bức xúc trước tình trạng một số người tự xưng là thương binh xông vào trụ sở bán vé hò hét, đập phá, giành quyền ưu tiên mua vé...

Những biểu hiện trên, nếu là của thương binh, CCB thì vẫn đáng phê phán, vì đó là những người mắc bệnh “kiêu binh”, “công thần”, những căn bệnh đã bị xã hội lên án từ lâu. Còn ngược lại là “thương binh giả” thì tội rất nặng.

Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ do nhân dân trao tặng những quân nhân đã và đang phục vụ trong QĐND Việt Nam là một danh hiệu cao quý. Những người được trao danh hiệu ấy phải biết trân trọng, giữ gìn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Tương tự, một người đã từng hy sinh một phần xương máu và tuổi xuân cho đất nước, mặc bộ quân phục đi ra đường không hẳn sẽ được người dân yêu quý và tôn trọng, nếu người đó không giữ gìn phẩm chất đạo đức của Bộ đội Cụ Hồ, cư xử và hành động không đúng mực.

Nhưng, trong một khía cạnh khác, cũng phải đặt lại vấn đề về cách ứng xử của xã hội với những người đã và đang mang danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Ở gần nơi tôi ở, có rất nhiều giáo viên trong một trường phổ thông, ai cũng yêu quý bộ đội nhưng “mai mối” cho các cô giáo chưa xây dựng gia đình với các sĩ quan thuộc đơn vị đứng chân trên địa bàn thì các cô đều “lắc đầu”. “Em rất yêu quý các anh bộ đội, nhưng thời nay cứ nghĩ cảnh phải xa chồng, cáng đáng mọi việc trong nhà, nuôi con một mình... thì không dám lấy bộ đội. Hơn nữa, bộ đội tiếng là lương cao nhưng tổng thu nhập lại thấp, đời sống kinh tế khó khăn cũng là rào cản, em không “dám” lấy chồng bộ đội” - một cô giáo đã chân thành tâm sự như vậy.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã trao đổi với tôi rằng, ông rất trăn trở trước hình ảnh bố là thương binh nặng ngồi trên xe lăn, con một tay đẩy xe, một tay cầm hồ sơ xin việc đến cổng các doanh nghiệp, cơ quan mà người ta không tiếp, bảo vệ còn không cho vào... Vì thế, khi đương chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã bàn và được Quân ủy Trung ương thông qua, ký ban hành Chỉ thị 97/CT-BQP về tuyển dụng con đẻ của thương binh, bệnh binh nặng chưa có việc làm, vào phục vụ trong Quân đội.

Và trong ngày 22-12-2019, trên mạng xã hội, không ít cựu quân nhân, CCB bày tỏ nỗi buồn vì không có ai tổ chức cho họ được gặp gỡ đồng đội nhân ngày lễ lớn của đất nước, của quân đội. Hỏi ra thì được biết, do ngân sách eo hẹp, nhiều địa phương cấp cơ sở chỉ tổ chức gặp gỡ, chúc mừng đến các đối tượng CCB là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; những CCB là chiến sĩ đành chịu nỗi buồn không có ai hỏi đến...

Như vậy, Đảng, Nhà nước, Nhân dân trao tặng bộ đội danh hiệu cao quý, nhưng rất cần có cơ chế, chính sách đầy đủ, rõ ràng để bảo đảm cho quân nhân có điều kiện giữ gìn, phát huy những giá trị cao quý ấy trong thực tế cuộc sống. Lời tâm sự thật lòng của một giáo viên trẻ, rằng “yêu” bộ đội lắm nhưng không dám lấy bộ đội... để lại cho chúng ta rất nhiều điều cần phải suy nghĩ!

Nguyễn Hồng