Tổng thống Pháp E. Macron.
Mới đây, trong cuộc phỏng vấn của tờ Le Parisien, Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron nói: "Có thể đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải tiến hành các chiến dịch trên bộ để chống lại lực lượng Nga". Phát biểu của ông Macron đang gây “sốc” thế giới phương Tây, do trước đó ông này từng kêu gọi “không chọc giận nước Nga”.
Ngay lập tức, nhiều đồng nghiệp của ông Macron ở Đức, Italy, Czech, Slovakia… và cả Ba Lan gần như đồng loạt tuyên bố rằng họ sẽ không triển khai đội quân chiến đấu đến Ukraine. Đặc biệt, bình luận của Tổng thống Pháp có nguy cơ đẩy căng thẳng giữa Pháp và Đức lên cao hơn khi hai bên từng cáo buộc nhau không gửi đủ vũ khí cho Ukraine. Thủ tướng Đức - Olaf Scholz cho rằng, cần làm nhiều hơn để giúp Ukraine, nhưng rõ ràng là sẽ không có chuyện gửi quân đội của các nước châu Âu hoặc NATO tới nước này. Thủ tướng Italy - Giorgia Meloni khẳng định: Không ủng hộ ý tưởng này, coi đây là điềm báo về sự leo thang nguy hiểm và cần phải tránh bằng mọi giá.
Ngay tại Pháp, Ngoại trưởng nước này Stephane Sejourne nói: "Chúng tôi phải cân nhắc hành động mới nhằm ủng hộ Ukraine. Những hành động này phải đáp ứng các nhu cầu rất cụ thể, đặc biệt về rà phá bom mìn, an ninh mạng, sản xuất vũ khí tại chỗ trên đất Ukraine".
Như vậy, đề xuất của Paris đã bị hầu hết các nước NATO và EU từ chối công khai. Ngay cả Washington, vốn ủng hộ Kiev nhiều nhất từ khi xung đột nổ ra cũng tuyên bố sẽ không gửi quân và khuyến cáo mạnh mẽ những nước khác không nên làm như vậy. Vậy tại sao ông Macron lại “đổ dầu vào lửa” trong thời điểm leo thang cuộc xung đột Ukraine cũng như căng thẳng địa chính trị giữa Nga với các nước phương Tây?
Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga - Vyacheslav Volodin giải thích chính sách mạo hiểm của Macron có liên quan đến duy trì quyền lực cá nhân. Theo ông Volodin, trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Macron “không đạt được gì ngoại trừ sự trì trệ của nền kinh tế đất nước, các cuộc biểu tình rầm rộ đang diễn ra và thất bại địa chính trị ở châu Phi”. Bộ trưởng Ngoại giao Nga - Sergei Lavrov cho rằng thông qua tuyên bố triển khai quân tới Ukraine, Tổng thống Pháp đang cố gắng "làm hài lòng" Washington và khiêu khích các đồng minh NATO, đồng thời cố tạo ra một loại “quyền tự chủ chiến lược” cho riêng nước Pháp. Nhà bình luận Nga - Mikhail Tokmakov cũng cho rằng, việc Tổng thống Macron bất ngờ thay đổi giọng điệu không phải vì lợi ích của Ukraine mà vì lợi ích của chính ông này khi chiếc ghế mà ông nắm giữ đang lung lay. Hiện tình hình ở Pháp đang dậy sóng, nhiều cuộc biểu tình của nông dân đang bùng phát. Điều này đe dọa đến Thế vận hội Olympic 2024 đang đến rất gần và cảnh báo cuộc khủng hoảng lương thực có thể xảy ra vào mùa đông tới. Theo ông Tokmakov, ông Macron trong tình huống này đã thực hiện chiêu bài “rất xưa” là đoàn kết dân tộc trước kẻ thù bên ngoài, để bớt đi sự chú ý của dư luận Pháp với tình hình bên trong.
Trong khi đó, các nhà bình luận của Reuters đánh giá, trong bối cảnh sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine đang gặp trở ngại từ Quốc hội nước này, ông Macron mong muốn lấp đầy khoảng trống lãnh đạo mà Washington để lại, qua đó thể hiện hình ảnh một chính trị gia mạnh mẽ và có quan điểm cứng rắn với Nga. Và, ông Macron đã “thành công”, nhưng với chiều ngược lại. Đề xuất của ông đã khiến chính bản thân ông và Ukraine trở thành đối tượng không yêu thích của người Pháp và nhiều nước châu Âu, nhất là trong bối cảnh sự ủng hộ dành cho Ukraine gần đây đã trở nên yếu đi, đặc biệt là sau thất bại của quân đội Ukraine tại Avdeevka. Đài CNews (Pháp) cho hay, mức độ tín nhiệm của Tổng thống Pháp đã suy giảm đáng kể. Theo đó, trong tháng 3-2024, ông Macron chỉ làm hài lòng 28% người dân Pháp nhưng khiến 72% người dân nước này “không vui”. Sự bất mãn mạnh mẽ chủ yếu tập trung vào Ukraine và vấn đề gửi quân tới nước này. Nhiều chuyên gia cáo buộc sự phiêu lưu của Macron đã gây bối rối cho cả Ukraine và toàn bộ phương Tây do gián tiếp khẳng định tình thế khó khăn của quân đội Ukraine. Ngoài ra, nó còn bộc lộ sự chia rẽ nghiêm trọng trong chính NATO, do ông Macron thể hiện sự “thiếu hiểu biết” đối với các đồng nghiệp và công chúng phương Tây nói chung.
Trong khi đó, Tổng thống Nga - Vladimir Putin lưu ý rằng nhiều chính trị gia phương Tây đã quên chiến tranh là gì, đồng thời nhắc lại các cuộc xâm lược của kẻ thù trên đất Nga trong quá khứ đã kết thúc như thế nào. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, nếu điều tương tự xảy ra ở thời nay thì hậu quả đối với những kẻ can thiệp sẽ bi thảm hơn nhiều.
Khôi Nguyên