Phường Chương Dương nằm trải dài ngoài đê hữu Hồng, diện tích 1,017km2, chia làm 12 khu dân cư, 85 tổ dân phố với số dân gần 25 ngàn người, bao gồm từ KT1 đến KT4 và những người làm ăn thời vụ, buôn bán nhỏ khi nông nhàn, khách vãng lai tạo nên một địa bàn trọng điểm về ANTT.

Khi được hỏi về tiểu đội dân quân thường trực, đồng chí Phạm Thị Xuân Mai, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường vui vẻ hẳn lên, chị tâm sự: Khi được chọn làm điểm thực hiện đề án, lãnh đạo và nhân dân phường rất phấn khởi, coi đây là một thuận lợi, để tăng cường lực lượng đáp ứng yêu cầu ổn định ANCT, TTATXH, làm cơ sở phát triển KTXH trong thời kỳ mới. Sau khi đi thực tế, học tập mô hình dân quân thường trực bảo vệ biên giới của TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Đảng ủy phường ra nghị quyết lãnh đạo, UBND tổ chức thành lập tiểu đội dân quân thường trực vào tháng 5-2009. Tiểu đội gồm 12 cán bộ, chiến sĩ, hầu hết là đoàn viên được lựa chọn kỹ, có nhiệt tình và trách nhiệm cao. Đây là những công dân do hoàn cảnh gia đình, sức khỏe mà không đủ điều kiện làm NVQS, thì thực hiện Luật Dân quân tự vệ với thời gian từ 12 đến 18 tháng. Mỗi năm tiểu đội có 90 ngày huấn luyện (gồm 60 ngày huấn luyện cơ bản và 30 ngày huấn luyện nâng cao). Hội CCB là đơn vị đỡ đầu của tiểu đội, thường phối hợp thông tin thời sự, kể chuyện truyền thống, hướng dẫn luyện tập, động viên tiểu đội những lúc khó khăn. Tiểu đội có nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ các mục tiêu quy định, tuần tra độc lập hoặc phối hợp với công an tuần tra khép kín địa bàn, là lực lượng nòng cốt phòng chống lụt bão, cháy nổ, giúp nhân dân sơ tán người và của cải ra nơi an toàn. Ngoài ra, tiểu đội còn vận động bà con làm vệ sinh đường ngõ, bóc xóa quảng cáo, rao vặt sai quy định, làm công tác bảo vệ khi cán bộ chính sách xã hội đi nhận và chi trả tiền lương, phụ cấp cho các đối tượng… Ngoài ra tiểu đội còn sẵn sàng làm nhiệm vụ của quận giao cho như tham gia chữa cháy tại Đài tiếng nói Việt Nam (số 39 phố Bà Triệu), hoặc lai dắt cụ rùa trên hồ Hoàn Kiếm vào khu vực chữa bệnh (tháng 3-2011). Qua hoạt động, tiểu đội đã bắt giữ 2 vụ trộm cắp và cứu chữa 13 vụ cháy lớn nhỏ trên địa bàn. Nhiều gương điển hình về khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ như tổ trưởng Tạ Tú Tài, chiến sĩ Hoàng Văn Hòa, chiến sĩ Bùi Minh Hiếu. Riêng đồng chí Nguyễn Ngọc Toàn được đi học cảm tình Đảng và cử đi đào tạo phó chỉ huy quân sự phường tại Trường quân sự Bộ CHQS thành phố. Việc tổ chức tiểu đội dân quân thường trực là rất cần thiết và thực sự đã có hiệu quả trong công tác giữ gìn ANTT, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai.

Chúng tôi vào thăm nơi ăn nghỉ của tiểu đội, chỉ có 40m2 trên mặt phố. Tuy chỉ đủ kê 6 chiếc giường 2 tầng và một chiếc bàn làm việc nhưng đồ đạc từ chăn màn, quần áo, vũ khí trang bị đều gọn gàng, ngăn nắp như doanh trại của một đơn vị quân đội. Chỉ huy trưởng quân sự phường kiêm tiểu đội trưởng là thiếu úy sĩ quan dự bị Nguyễn Hoàng Ân, 42 tuổi, nguyên là pháo thủ số 2, pháo phòng không 57 ly thuộc Trung đoàn 280, Sư đoàn 361, xuất ngũ năm 1991 rồi liên tục là cán bộ quân sự của phường. Anh giới thiệu về tiểu đội phó Cao Như Thạch, 39 tuổi. Vào hồi 17 giờ ngày 7-7-2011, xưởng sản xuất đệm mút số nhà 10, ngõ 488, đường Bạch Đằng đã phát cháy ở phía ngoài, bịt đường ra của gần 10 người thợ ở bên trong. Ngọn lửa từ chất dễ cháy bốc cao, khói độc mù mịt. Tiểu đội được lệnh tham gia chữa cháy. Cao Như Thạch nhảy lên tầng 2 dập lửa và đưa tài sản ra ngoài. Nhưng trần nhà làm bằng gỗ dán đã lâu, nay gặp nước bị vỡ ải, Thạch rơi xuống tầng một rồi ngất đi. Anh bị xẹp đốt sống L1 và L2, rụn xương mu xoay phải nằm bất động và điều trị hơn 4 tháng. Phường đang đề nghị lên trên cho anh hưởng trợ cấp theo chế độ quy định.

Thiếu úy Nguyễn Hoàng Ân cho biết: Về chế độ chính sách, thời kỳ đầu, mỗi ngày công của anh em là 43.800 đồng, tiền ăn một ngày là 30.000 đồng/ người. Sau nhiều lần nâng mức đến nay là 83.000 đồng cho mỗi ngày công và tiền ăn mỗi ngày của một người là 40.000 đồng (bằng với tiêu chuẩn của chiến sĩ bộ binh). Khi thời giá lên cao, phường hỗ trợ thêm cho anh em ăn no, đủ sức để làm nhiệm vụ. Những việc làm tốt được khen và thưởng, những dịp lễ, tết được thăm hỏi, tặng quà… tiểu đội như một thành viên trong tổ chức của UBND phường.

Bài và ảnh: XƯƠNG GIANG