Ngày 1-12-1963, đang dự khóa huấn luyện tại Trường Quân chính Quân khu Tả Ngạn, Đại tướng Phạm Văn Trà (khi đó là Trợ lý tác chiến tiểu đoàn, thuộc Sư đoàn 320) nhận lệnh về Tổng cục Chính trị, chuẩn bị đi đào tạo ở nước ngoài. Nhưng khi lên Tổng cục thì toàn bộ số anh em được chọn đi học nước ngoài đợt đó lại được lệnh vào Nam chiến đấu. Lập tức ông được đưa lên Xuân Mai huấn luyện cấp tốc. Sau hơn hai tháng rèn luyện hành quân xa, mang vác nặng…, Tết Giáp Thìn 1964, đơn vị “cấm trại” để chuẩn bị lên đường. Không được về ăn Tết và gặp gia đình trước khi vào Nam chiến đấu, ông có viết một lá thư gửi cho người vợ vừa cưới và một lá thư cho Nguyễn Trung Hưng - người cháu gọi ông bằng cậu ruột. Lá thư gửi cho Trung Hưng được ông viết trên tờ bìa 4 cuốn vở 48 trang, vừa là thư, vừa gửi tặng cháu cuốn vở (ông gọi là sách) như món quà trước khi đi xa.

Sau mấy chục năm, người cháu của Đại tướng đã là một Đại tá, từng giữ chức Chủ nhiệm Chính trị một binh đoàn. Và điều đặc biệt, là ông vẫn giữ được cuốn vở cùng với lá thư người cậu gửi tặng vào đầu năm 1964. Điều đặc biệt hơn, qua lá thư, chúng ta thấy được lý tưởng, ý chí, tình cảm của người lính Cụ Hồ khi đó ngời sáng, cao đẹp biết bao. Xin được gửi tới các CCB, bạn đọc của Báo bức thư của “Chiến sĩ Gải phóng quân miền Nam - Phạm Văn Trà” trước ngày vào Nam đánh Mỹ:

“Hưng cháu

Gần đến ngày cậu tạm biệt cháu, cậu ra đi chiến đấu vì miền Nam Tổ quốc, vì tương lai các cháu. Cậu ra đi rất nhớ cháu, nhớ gia đình, nhớ quê hương nơi lớn lên và trưởng thành ở đó. Nhưng biết làm thế nào được. Vì đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm, là lý tưởng cao cả của cậu và của tất cả đảng viên đối với nhiệm vụ của Đảng. Vì vậy, câu tạm biệt gia đình và những người thân yêu nhất; hy sinh tình cảm của tuổi trẻ để phục vụ lợi ích của Đảng.

Và giờ đây cậu đã xa cháu và gia đình lâu ngày. Cậu chỉ mong Hưng cố gắng học tập, luôn giữ vững và rèn luyện đạo đức cho tốt; chăm làm, gắng học, thẳng thắn, kính trên nhường dưới; đó là đạo đức của mọi thanh niên và thiếu nhi Việt Nam.

Và khi lớn lên cháu sẽ mang sự hiểu biết và lý tưởng sống của mình để phục vụ tập thể; tránh hết sức để cuộc sống âm thầm trôi qua vô ích.

Vì vậy, ngay từ bây giờ, cháu phải rèn luyện và học tập cho tốt.

Riêng đối với bà, cháu sẽ luôn xuống chơi, an ủi và giúp đỡ bà, nhất là lúc già yếu để bà bớt suy nghĩ về cậu. Cậu an tâm chiến đấu.

Khi nào chiến thắng quân thù, cậu sẽ trở lại, cậu cháu sẽ nói chuyện nhiều về miền Nam cho cháu nghe.

         Miền Nam   - Đau thương

                            - Anh dũng tuyệt vời

Thôi, ngày tạm biệt đã đến. Cháu giữ gìn quyển sách này làm kỷ niệm và nhớ lời cậu.

Cuối cùng, cậu mong cháu trẻ, khỏe, vui, học tập tốt.

         Ngày 9-1-Tức ngày 21-2-1964

         Ngày tạm biệt cháu

                           Cậu của cháu

         Chiến sĩ Giải phóng miền Nam

                           Phạm Văn Trà”.

Duy Tường