Quân uỷ và Quân khu 3 đã tính đến khả năng Mỹ sẽ đánh phá hủy diệt vào TP Hà Nội, Hải Phòng. Năm 1970, Quân khu 3 và Thành uỷ Hải Phòng đã có cuộc diễn tập, dự kiến tình huống và những công việc cần làm để không bị bất ngờ. Quân khu 3 và TP Hải Phòng đã chuẩn bị tốt các lực lượng chiến đấu, hầm trú ẩn chờ thời gian nổ súng giáng trả các đòn tấn công của địch.

Đúng như dự tính, lúc 20 giờ ngày 15-4-1972, tin từ Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Chính trị báo về: “Đêm nay, địch đánh lớn Hải Phòng - đường 5”. Tại Sở chỉ huy Quân khu 3, Chính uỷ Nguyễn Quyết thay đồng chí Tư lệnh đi công tác trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Tất cả các đồng chí trong Ban Thường vụ, UBND, chỉ huy trưởng, chính uỷ BCHQS thành phố đang túc trực, sẵn sàng. Sau khi nhận được tin từ trên, Chính uỷ Nguyễn Quyết giao cho cán bộ văn phòng xin chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu được sơ tán dân ra khỏi trung tâm thành phố. Một dòng chữ ngắn gọn trả lời qua điện thoại của Bộ Tổng tham mưu “sơ tán dân ra khỏi thành phố thuộc quyền Ban Bí thư T.Ư Đảng”. Chính uỷ thở dài. Ông đi đến bên một thư ký: “Cậu mời anh Nguyễn Chất lên mình gặp nhé”. Đồng chí Nguyễn Chất khi đó là Phó chỉ huy quân sự kiêm Tham mưu trưởng Ban chỉ huy phòng không thành phố. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Chất báo cáo tình hình, Chính uỷ Nguyễn Quyết kiên quyết: Sơ tán nhân dân ra khỏi thành phố không thuộc quyền của ta, nhưng nếu địch đánh mạnh, nhân dân chết nhiều ai chịu trách nhiệm. Theo tôi cần triệt để thực hiện quyền của ta là sơ tán khẩn cấp nhân dân ra khỏi những vùng trọng điểm. Quân khu và thành phố đã thống nhất kế hoạch và Bộ Tổng tham mưu chuẩn y. Bây giờ là 20 giờ 45 phút. Cố gắng đến 24 giờ hoàn thành việc sơ tán dân ra khỏi các khu vực trọng điểm. 8 giờ ngày 16-4, sơ tán toàn bộ dân ra khỏi khu vực nội thành”.

Công tác sơ tán nhân dân, cán bộ, công nhân viên các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện ra khỏi các vùng trọng điểm đánh phá của địch được tiến hành đồng loạt. Sức mạnh tổng hợp của thành phố Cảng công nghiệp được huy động trong việc sơ tán dân. Đến 22 giờ ngày 15-4-1972, thành phố đã sơ tán được hơn 15.000 người ra khỏi các vùng trọng điểm. Nhiều người không có nhiệm vụ trong nội thành tiếp tục đi sơ tán.

0 giờ 15 phút ngày 16-4-1972, lần lượt các trận dội bom của pháo đài bay B-52. 21 giờ 15 phút - 3 giờ 15 phút, bom từ máy bay đạn pháo từ tàu chiến địch bắn vào tàn phá thành phố Hải Phòng. Hàng ngàn đồng bào, đồng chí bị chúng sát hại, hàng trăm công trình nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, trường học bị bom đạn Mỹ tàn phá. Khi lửa đạn bom rơi còn nóng bỏng, Chính uỷ Nguyễn Quyết đã cùng lãnh đạo TP Hải Phòng đi thăm và động viên nhân dân các khu vực bị tàn phá, mặc niệm những đồng bào, đồng chí đã thiệt mạng, nhắc nhở mọi người cần rút kinh nghiệm để bổ sung vào phương án chiến đấu, phòng tránh, sơ tán và trú ẩn an toàn.

Mỹ tiếp tục đánh phá Hà Nội và Hải Phòng trong nhiều ngày. Ở Sở chỉ huy, Chính uỷ Nguyễn Quyết cũng thức trắng để chỉ huy quân và dân Hải Phòng phối hợp chiến đấu, chung vai cùng quân và dân Hà Nội. Trong niềm vui chiến thắng, quân dân Hải Phòng đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ, trong đó có 1 máy bay B.52, bắn cháy 1 tàu hiện đại của Mỹ. Thắng lợi này trước hết là do đường lối sáng suốt của Đảng, của Bác, sự lãnh đạo, chỉ đạo tài trí của Bộ Chính trị, Chính ủy, Quân uỷ T.Ư, sự chỉ huy sát sao của Bộ tư lệnh mà trực tiếp là Quân khu uỷ và Bộ tư lệnh quân khu Tả Ngạn đã tập trung cho trọng điểm, tạo sự thống nhất cao cho trọng điểm. Đây là thắng lợi chung của cả miền Bắc, của các ngành, các cơ quan T.Ư, nhưng quan trọng là do Quân khu uỷ, Bộ tư lệnh Quân khu, Đảng bộ Hải Phòng đã nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, mệnh lệnh của cấp trên và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn của địa phương. Quân và dân Hải Phòng đã lập nên một kỳ tích, rút ra bài học có ý nghĩa quốc gia và quốc tế về chiến đấu, xây dựng và bảo vệ thành phố, làm đúng như lời dạy ân cần của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Đây là trận cuối cùng, còn bát gạo ta nấu nốt”.

Sau ký Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973, đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng về thăm quân khu, thăm TP Hải Phòng. Đồng chí đã tâm sự với Chính ủy: “Khi ở miền Nam, hàng ngày theo dõi tin địch đánh phá miền Bắc, đánh phá Hải Phòng, Hà Nội, tôi tưởng bom đạn địch đã huỷ diệt thành phố Cảng này rồi, không ngờ ra đây mới thấy hết quân dân Hải Phòng đánh giỏi, phòng tránh tốt, mọi hoạt động vẫn đầy sức sống”.

40 năm đã đi qua, nhưng những ký ức của Đại tướng Nguyễn Quyết về những giờ phút gay go và ác liệt nhất ấy vẫn không phai mờ, tính mạng nhân dân, quyết định táo bạo đầy tính nhân văn sâu sắc, với mệnh lệnh kiên quyết, dứt khoát, sơ tán dân ra khỏi thành phố, nhân dân chết ai chịu trách nhiệm? Đây là quyết định đầy tính sáng tạo, trách nhiệm, dũng cảm trước Quân uỷ và Ban Bí thư T.Ư Đảng.

Nay Đại tướng đã 90 tuổi, hơn 70 năm tuổi Đảng, nhưng những gì Đại tướng đã làm cho dân, cho Đảng vẫn được nhân dân, đồng đội cán bộ và đảng viên ghi nhớ mãi mãi.

Minh Chi