Các đại biểu dự Đại hội.

Từ ngày 16 đến 18-2-2019, Đại hội Liên đoàn CCB thế giới lần thứ 29 được tiến hành tại Pa-ri, thủ đô nước Pháp. Đự Đại hội có đại biểu Hội CCB của 121 quốc gia và 175 tổ chức Hội CCB trên thế giới. Trung tướng Nguyễn Song Phi - Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam thay mặt Thường trực T.Ư Hội CCB Việt Nam cùng Đại tá Trần Ngọc Dần - Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Hội và Đại tá Nguyễn Duy Tường - Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam dự Đại hội.

Đoàn đại biểu Hội CCB Việt Nam dự Đại hội.

Liên đoàn CCB thế giới thành lập năm 1950. Đến trước Đại hội 29 đã có 175 tổ chức Hội của 121 quốc gia gia nhập Liên đoàn, với trên 40 triệu hội viên. Theo Điều lệ của Liên đoàn CCB Thế giới, Đại hội Liên đoàn tiến hành 3 năm một lần, nhằm tổng kết, đánh giá kết quả họat động của Liên đoàn trong nhiệm kỳ; kết nạp thành viên mới; ra nghị quyết về phương hướng hoạt động và bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ mới.

Với chủ đề “Vì một thế giới hòa bình” và tinh thần “Không ai có thể nói về hòa bình đầy đủ hơn những người đã kinh qua chiến tranh!”, Đại hội Liên đoàn CCB lần thứ 29 thông qua các phiên tọa đàm, bàn thảo, tập trung đánh giá vai trò của Liên đoàn  tham gia tạo lập, gìn giữ nền hòa bình của nhân loại trong thời gian qua; đồng thời đề xuất, thông qua một số nghị quyết về hoạt động của Liên đoàn trong thời gian tới, nhằm phản đối chiến tranh, xung đột, khủng bố; gìn giữ hòa bình, bảo vệ quyền lợi của CCB, bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trước những nguy cơ bị hủy hoại…

Toàn cảnh Đại hội Liên đoàn CCB thế giới lần thứ 29.

Dự phiên Hội thảo chuyên đề CCB với “Sứ mệnh gìn giữ hòa bình”, các đại biểu CCB Việt Nam thực sự tự hào, tự tin mang đến Đại hội thông điệp về đất nước Việt Nam nói chung và CCB Việt Nam nói riêng là một điển hình về kiến tạo hòa bình, hòa hợp. Việt Nam không chỉ tiến hành chiến tranh chống ngoại xâm, vì hòa bình, độc lập tự do và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, vì một nền hòa bình của nhân loại, mà sau chiến tranh đã nhanh chóng “khép lại quá khứ”, bình thường hóa các mối quan hệ, bắt tay hòa hợp với các quốc gia vốn là đối thủ. Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Việt Nam đang là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các quốc gia trên thế giới và tích cực, tham gia có trách nhiệm Lực lượng gìn giữ hóa bình của Liên Hợp quốc… Việc Việt Nam được xem như một mẫu mực về hòa hợp với các quốc gia vốn là đối thủ trong chiến tranh đã được một đại biểu Hội CCB Đan Mạch nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình tại Hội thảo. Theo đó, Hội CCB Việt Nam nhiều lần được đề nghị tham gia nhóm gồm 10 quốc gia, có nhiệm vụ tham gia giáo dục, huấn luyện về hòa bình cho các tổ chức thành viên của Liên đoàn CCB thế giới (hiện tổ chức này đã có đại diện 9 quốc gia).

Cùng với bàn thảo, thông qua Nghị quyết chung, Đại hội Liên đoàn  CCB thế giới lần thứ 29 còn thông qua một số Nghị quyết chuyên đề. Đặc biệt, trong số đó có Nghị quyết về “Duy trì và bảo tồn ký ức chung giữa các quốc gia” do Cao ủy những người kháng chiến cũ và CCB Ma-rốc (Hội CCB Ma-rốc) đề xuất. Nghị quyết đánh giá cao những sáng kiến của Hội CCB Ma-rốc và Hội CCB Việt Nam nhằm đánh giá và bảo tồn ký ức của cuộc đấu tranh chung bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. “Ghi nhận với sự quan tâm sâu sắc rằng những sáng kiến liên quan của Hội CCB Ma-rốc và Hội CCB Việt Nam đưa ra đã được thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc tế tại Ra-bát năm 2012 và Hà Nội năm 2017 và kết quả là đã xuất bản một ấn phẩm thú vị, đánh giá cao ký ức chung giữa Vương quốc Ma-rốc và Cộng hòa XHCN Việt Nam; mục đích nhằm nhấn mạnh và khuếch trương ý nghĩa sâu sắc của nó cho thế hệ trẻ của hai nước và làm cho nó trở thành nguồn cảm hứng thúc đẩy tình hữu nghị và đoàn kết giữa Ma-rốc và Việt Nam, cũng như giải quyết những thách thức hiện tại và trong tương lai, xây dựng một thế giới tốt đẹp…” (trích Nghị quyết).

Đại hội lần thứ 29 kết nạp thêm 8 thành viên mới là Hội CCB các nước: Cô-sơ-vô, Bra-zin, Séc-bi, Na-mi-bi-a, Slô-vê-nia, Tri-nát Tô-ba-cô, Nam Xu-đăng và Tổ chức CCB Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc; nâng tổng số 128 quốc gia và 183 tổ chức tham gia Liên đoàn.

Trung tướng Bergtun - Chủ tịch Hội CCB Na-uy, Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ 28 được bầu lại làm Chủ tịch Liên đoàn CCB Thế giới nhiệm kỳ 29. Đoàn đại biểu Hội CCB Việt Nam là một trong số các đoàn đề cử Tiến sĩ Motafa Ktiri - Cao ủy CCB Ma-rốc, Chủ tịch Hội Hữu nghị Marốc - Việt Nam để bầu Phó chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ 29 và ngài Tiến sĩ đã đắc cử chức vụ này. Ngài Tiến sĩ rất cảm kích trước chính kiến của Đoàn Việt Nam và cho biết sẽ tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Ma-rốc với Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Marốc - Việt Nam và chỉ đạo Liên đoàn thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về “Duy trì và bảo tồn ký ức chung giữa các quốc gia” trên cơ sở hoạt động của Cao ủy CCB Ma-rốc và Hội CCB Việt Nam, mà Đại hội lần này đã thông qua.

Ngoài tham gia chương trình chính thức của Đại hội, Đoàn đại biểu Hội CCB Việt Nam còn gặp gỡ giao lưu, tặng quà Cao ủy CCB Ma-rốc, Hội CCB Hàn Quốc, Nga, Đài Loan - Trung Quốc… Những hoạt động của Đoàn tạo được thiện cảm với các đại biểu dự Đại hội. Các đoàn: Ucraina, Pháp, Nam Xu Đăng, Nga... đều muốn gặp gỡ để trao đổi với CCB Việt Nam về những kinh nghiệm trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, xây dựng nền tảng tư tưởng và hoạt động, đóng góp của Hội CCB với đất nước.

Sau đây là một số hình ảnh Báo CCB Việt Nam ghi lại tại Đại Hội:

Phó chủ tịch Nguyễn Song Phi tặng quà lưu niệm đại biểu CCB Nga.

Duy Nguyễn