Những gì mà Việt Nam làm được ở Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 đã để lại ấn tượng rất tuyệt vời. Đó là cảm nhận chung của hầu hết các đại biểu quốc tế tại Lễ bế mạc Đại hội đồng IPU-132 và trước khi họ rời Hà Nội về nước.
Một kết quả trên cả kỳ vọng
Ông Ô-xây Ki-ây Men-xa Bon-xu (Osei Kyei-Mensah-Bonsu), thành viên Nghị viện Ga-na đã nhận xét như vậy khi nói về kết quả sau 5 ngày làm việc của Đại hội đồng IPU-132. Theo ông Bon-xu, với các nghị quyết được thông qua cũng như chuyên đề được thảo luận tại đại hội đồng lần này, cho thấy quyết tâm rất lớn của nghị viện các nước thành viên trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu như chống khủng bố, chiến tranh mạng, nguồn nước, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em… Theo ông Bon-xu, những vấn đề nêu trên đều là vấn đề mà Ga-na đang gặp phải. “Ở châu Phi, sự khan hiếm nước là một trong những nguy cơ có thể gây ra xung đột. Do đó, chúng tôi rất quan tâm đến việc quản lý tốt hơn tài nguyên nước. Ngoài ra, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em là điều mà chúng tôi cũng đang hết sức cố gắng”, ông Bon-xu nói.
Trong khi đó, chia sẻ với báo chí bên lề Đại hội đồng IPU-132, bà Giê-mi-ni Pan-đi-a (Jemini Pandya), Giám đốc Truyền thông IPU cho rằng, “phát triển bền vững” là một đề tài bao trùm của Đại hội đồng IPU lần này. “Tôi nghĩ phát triển bền vững là vấn đề lớn nhất hiện tại, vì thế không có chủ đề nào quan trọng hơn. Những nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng lần này, cũng như việc biến những nghị quyết đó thành hành động thực tiễn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân. Đó thực sự là tương lai của xã hội phát triển bền vững và không có gì quan trọng hơn”, bà Giê-mi-ni Pan-đi-a nói.
Quan tâm đến vai trò phụ nữ trong nghị viện, đại biểu đến từ Niu Di-lân, bà Mê-li-xa Li (Melissa Lee) chia sẻ, Niu Di-lân là quốc gia đầu tiên trên toàn thế giới trao quyền bầu cử cho phụ nữ. “Năm 1893, phụ nữ có thể thực sự đi bầu cử tại Niu Di-lân, trong khi phụ nữ ở các quốc gia khác chưa có quyền đó. Bởi thế, chúng tôi tự hào vì Niu Di-lân được gọi là quốc gia đầu tiên mà phụ nữ có quyền bầu cử. Kể từ đó, chính phủ đã rất tích cực trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy chính phủ cũng như tham gia thảo luận tại các bàn đàm phán, hoạt động kinh doanh”, bà Mê-li-xa Li cho hay. Nữ đại biểu này cũng cho biết, hiện tỷ lệ nữ giới trong Quốc hội Niu Di-lân chiếm 31% và “chúng tôi có thể tăng con số này lên do ngày nay phụ nữ có nhiều cơ hội để phát triển”.
Với kinh nghiệm lâu năm trên, trong những năm qua, Niu Di-lân đã có nhiều hoạt động tích cực để trợ giúp các quốc gia khác trong việc khuyến khích tăng tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội cũng như quyền bầu cử của phụ nữ. Bà Mê-li-xa Li cho rằng, mỗi quốc gia trên thế giới đều có nền văn hóa khác nhau, “nhưng điều mà tôi muốn nói là phụ nữ có thể có những đóng góp rất to lớn trong quá trình đưa ra quyết định mang tính quốc gia. Một nghị viện có tỷ lệ nữ nghị sĩ cao sẽ góp phần giúp quá trình ra quyết định tốt hơn. Vì thế, tôi hy vọng sẽ có thêm nữ nghị sĩ trong quốc hội các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam”.
Đất nước giàu lòng mến khách
Không chỉ hài lòng với kết quả của Đại hội đồng IPU-132, nhiều đại biểu còn bày tỏ hài lòng trước sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức cũng như sự hiếu khách của người dân Thủ đô Hà Nội.
Lần đầu đến Việt Nam, bà Mê-li-xa Li rất ngạc nhiên về sự phát triển nhanh chóng của quốc gia từng trải qua chiến tranh ác liệt. “Tôi thực sự ngạc nhiên về sự phát triển kinh tế của Việt Nam, về vẻ đẹp của Hà Nội. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với các món ăn của đất nước các bạn, rất tuyệt vời”, nữ nghị sĩ Niu Di-lân bày tỏ.
Còn với ông Bon-xu, ngay từ ngày đầu tiên đặt chân tới Hà Nội, ông ngỡ ngàng trước sự phát triển của Thủ đô có hơn 1000 năm tuổi. “Ở Hà Nội có rất nhiều công trình lớn, hiện đại, điển hình là Nhà Quốc hội và Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Lúc đó tôi chợt có sự so sánh và thầm ước Ga-na cũng có công trình hoành tráng như vậy”.
Cùng chung cảm nhận trên, bà Ca-xi Rô-xi (Quazi Rosy), nghị sĩ đến từ Băng-la Đét và bà Đờ Đờ-la-cu-đê (De Dlakude), nghị sĩ Nam Phi đều cho rằng, chỉ với bốn từ “tinh tế” và “hoàn hảo” cũng đủ nói lên sự cố gắng của Việt Nam trong việc chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132. Đặc biệt, bà Ca-xi Rô-xi còn nhấn mạnh, kỳ họp đại hội đồng lần này là lần họp ấn tượng nhất mà bà từng tham dự.
Theo QDND