Ý kiến này của ông Cương đã ngay lập tức bị đại biểu Quốc hội của tỉnh An Giang là Mai Thị Ánh Tuyết và tỉnh Long An là Phan Thị Mỹ Dung tranh luận lại. Các đại biểu này đều khẳng định là các địa phương của họ đã tích cực chống buôn lậu và tình hình đã được cải thiện rất đáng kể.
Mặc dù với cách tranh luận như hiện nay, chúng ta chẳng dám chắc ông Cương đúng hay các bà Ánh Tuyết, Mỹ Dung đúng. Cái chắc chắn hơn là lợi ích của các tỉnh đang được canh giữ một cách rất tích cực ở Quốc hội. Mà như vậy, thì tính chất đại diện cho tỉnh (tính chất thượng viện) của Quốc hội nước ta là rất lớn.
Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu khi trên 2/3 các vị đại biểu là do các tỉnh giới thiệu; các đại biểu do T.Ư giới thiệu thì vẫn phải về các tỉnh để được sắp xếp đơn vị bầu cử, liên doanh bầu cử và vận động bầu cử. Và sau khi trúng cử, họ đều trở thành các đại biểu của các tỉnh. Ai được cử về Hà Tĩnh thì trở thành đại biểu của tỉnh Hà Tĩnh. Ai được cử về Ninh Bình thì trở thành đại biểu của tỉnh Ninh Bình… Và như vậy, kéo về Hà Nội họp là 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đại diện cho 63 tỉnh.
Đại diện cho các tỉnh thì cũng tốt, nhưng hệ lụy của việc đại diện cho tỉnh không phải là không có. Hệ lụy thứ nhất là rất khó xác lập ưu tiên của quốc gia. Khi các đại biểu cứ tranh đấu vì lợi ích của 63 tỉnh, thì lợi ích quốc gia rất khó nhận được sự ưu tiên. Chúng ta đều thấy các đại biểu của tỉnh nào thì đều đấu tranh để tỉnh đó được phân bổ ngân sách nhiều hơn. Trong lúc đó những đóng góp của tỉnh thì các đại biểu lại đấu tranh để tìm cách giảm xuống. Hệ quả là nguồn lực quốc gia nhiều khi bị phân bổ phân tán. Thực tế cho thấy gần như các tỉnh có sân bay, cảng biển và quảng trường... hoành tráng.
Hệ lụy thứ hai của việc đại diện cho tỉnh là các đại biểu Quốc hội khó giám sát giám sát Chính phủ. Vì bất cứ khi nào các vị đại biểu truy xét một bộ trưởng đến cùng, thì địa phương cũng có thể bị ảnh hưởng. Các dự án có liên quan của địa phương có thể bị cắt giảm, bị chậm trễ, bị điều chuyển. Với cách phân bổ các nguồn lực như hiện nay, thì đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì vậy, một vị đại biểu chất vấn quá gay ngắt không khéo sẽ bị trưởng đoàn nhắc nhở. Không nói ra thì ai cũng biết, bị nhắc nhở nhiều thì khả năng tái cử chưa biết sẽ như thế nào. Ở đây, các đại biểu do T.Ư giới thiệu có vị thế giám sát cao hơn. Tuy nhiên, nếu các vị đại biểu này quá gai góc, thì trong đợt bầu cử tới các tỉnh sẽ rất ngại tiếp nhận về địa phương mình ứng cử.
Ngoài ra, đại diện cho tỉnh còn ảnh hưởng đến quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội nữa. Các phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội là một ví dụ rất điển hình ở đây. Các phiên thảo luận này thường rất khó tập trung vào những vấn đề nóng bỏng của quốc gia, bởi vì rằng mỗi Đoàn đại biểu Quốc hội thường chỉ tập trung nói về những vấn đề hệ trọng nhất của tỉnh mình. 63 đoàn, mỗi đoàn giành quyền phát biểu một lần, thì coi như vừa hết thời gian của bất kỳ phiên thảo luận nào. Do phải bảo đảm công bằng giữa các Đoàn đại biểu Quốc hội, nên một hệ lụy khác nữa cũng phát sinh. Đó là Quốc hội không thể dành thời gian và diễn đàn cho các vị đại biểu am hiểu vấn đề phát biểu. Điều này đến lượt mình lại ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng của các phiên thảo luận.
Hiến pháp năm 2013 quy định các vị đại biểu Quốc hội vừa phải đại diện cho những người đã bầu ra mình và cho nhân dân cả nước (Khoản 1, Điều 79, Hiến pháp năm 2013). Như vậy, Hiến pháp đòi hỏi các vị đại biểu phải đại diện cho đơn vị bầu cử và cho quốc gia, chứ không phải là cho tỉnh. Ngoài ra, Quốc hội là cơ quan của quốc gia. Lợi ích của quốc gia bao giờ cũng cần được ưu tiên.
Để Quốc hội thật sự là cơ quan đại diện cho lợi ích của quốc gia, các vị đại biểu Quốc hội phải nhận thức rõ điều trên. Đồng thời, những cải cách thể chế để xác lập nền tảng bầu cử của quốc gia (thay vì nền tảng bầu cử của tỉnh như hiện nay) là rất cần thiết.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng