Một chuyên mục thấm đẫm nghĩa tình đồng đội
Đã 25 năm trôi qua, nhưng trong tôi còn nhớ như in cái ngày giữa tháng 1-1991. Hôm đó, cha tôi-Đại tá, nhà báo Hàn Thụy Vũ bước chân vào nhà tôi ở khu tập thể quân đội số 8 Lý Nam Đế (Hà Nội), trên tay ông là mấy tờ báo còn thơm mùi mực in, nét mặt hân hoan rạng rỡ. Đó chính là số Báo Cựu chiến binh Việt Nam đầu tiên-đứa con tinh thần mà các ông CCB trong đó có cha tôi đã trăn trở suốt trong hơn 1 năm trước đó. Với cha tôi, niềm vui còn lớn hơn bởi cùng ra đời với tờ báo Hội là chuyên mục “Tìm người thân”-chuyên mục chuyên về các thông tin tìm mộ liệt sĩ còn mất tin, mất mộ-mà ông ấp ủ suốt từ khi rời quân ngũ về hưu là làm thế nào để góp phần tìm kiếm gần nửa triệu mộ liệt sĩ còn mất tin, mất tích. Mục “Tìm người thân” lần đầu tiên và duy nhất lúc đó trình làng trong hệ thống thông tin nước nhà.
Tuy chỉ có một trang lúc đầu ra hằng tháng, nhưng với mục tiêu của mình, Chuyên mục “Tìm người thân” đã khẳng định vai trò quan trọng của một phương tiện thông tin khuấy động tâm can hàng chục triệu người và thấm đẫm ân tình đồng đội, như trong lời giới thiệu của chuyên mục: Cuộc kháng chiến lâu dài của Quân đội và nhân dân ta đã trải qua bao vinh quang cũng như gian khổ mất mát. Còn nhiều gia đình đồng chí chúng ta đến nay đang mỏi mắt ngóng tìm người thân… Báo CCB Việt Nam mở mục “Tìm người thân” với lời kêu gọi các CCB nếu có lần nào chôn cất đồng chí của mình ở những nơi khó tìm hoặc giữ được chút di vật kỷ niệm của liệt sĩ… hãy viết về cho chúng tôi. Và những ai cần biết tin tức, phần mộ của người thân là bạn chiến đấu cũ còn mất liên lạc hãy viết cho chúng tôi. Báo CCB Việt Nam nguyện làm liên lạc chắp lại mối dây nghĩa tình trong gia đình CCB”.

Phụ san “Tìm người thân” lay động tâm can
1 trang, 2 trang rồi 8 trang/tháng, nhưng như “muối bỏ bể”, so với lượng thư, bài bạn đọc khắp nơi gửi về tòa soạn ùn ùn. Hầu hết những lá thư, bài viết là của các gia đình liệt sĩ với lời lẽ khẳng định Chuyên mục “Tìm người thân” rồi phụ san TNT, là địa chỉ đỏ góp phần giải tỏa phần lớn nỗi day dứt bấy lâu nay về sự “bặt vô âm tín” của phần mộ liệt sĩ, mà không biết bày tỏ cùng ai, ở đâu?
Chuyện tăng trang của Phụ san “Tìm người thân” không hề đơn giản tý nào, hơn nữa nó còn làm tăng thêm những khó khăn cho toà soạn của một tờ báo nghèo đang phải nợ tiền in báo.
Nhưng trước việc lượng thư yêu cầu tìm mộ liệt sĩ gửi về tòa soạn tăng theo cấp số nhân, Ban Biên tập Báo và phụ trách chuyên mục không thể yên lòng. Tháng 11-1992, Tòa soạn quyết định tăng Phụ san “Tìm người thân” lên 8 trang phát hành cùng tờ báo chính gần 2 vạn mà không tăng giá báo, vì đó mà tòa soạn mỗi tháng nợ nhà in thêm 4 triệu đồng (năm 1992). Dù vậy, tôn chỉ “Không thu tiền đăng tin tìm mộ liệt sĩ” của tòa soạn đặt ra từ lúc đầu vẫn không hề lung lay. Đến tháng 9-1993 thành Phụ san 16 trang ra đều kỳ hằng tháng, tôn chỉ nói trên vẫn được giữ nguyên dù riêng phụ san Tòa soạn phải bố trí 4 cán bộ chuyên trách biên tập. Phụ san ổn định với 4 mục chính là:

  • Đăng tin về liệt sĩ mà gia đình yêu cầu tìm kiếm thường có ảnh liệt sĩ, sơ đồ nơi mai táng…
  • Đăng tin về phần mộ liệt sĩ chưa được quy tập còn nằm rải rác ở các địa phương do các CCB và nhân dân phát hiện.
  • Đăng tin về mộ liệt sĩ đã được quy tập vào các NTLS mà chưa thấy gia đình đến nhận (hoặc thăm viêng).
  • Đăng các tin, bài, ảnh… về gương tốt của CCB, nhân dân có công trong việc tìm kiếm, phát hiện, chăm sóc phần mộ liệt sĩ.

Những con số biết nói
Sau 6 năm từ năm 1991 đến 1996, tôi chọn con số này bởi đến khoảng giữa năm 1996 thì ngoài Phụ san “Tìm người thân” của Báo CCB Việt Nam, đã có thêm một số cơ quan thông tấn, báo chí cùng vào cuộc ra chuyên mục tìm mộ liệt sĩ, chia sẻ “gánh nặng” với báo Hội. 6 năm thực hiện việc tìm kiếm liệt sĩ mất tin, mất mộ, Phụ san “Tìm người thân” đã có chỗ đứng sâu đậm trong lòng hàng triệu gia đình liệt sĩ và bạn đọc với kết quả là những con số mà mỗi số là một niềm vui vô hạn cho các gia đình liệt sĩ và những người làm phụ san chúng tôi: Đến năm 1996 đã có tổng cộng 4.945 tin tìm mộ liệt sĩ được đăng; 7.573 danh sách liệt sĩ có mộ ở các NTLS và 1.061 mộ liệt sĩ được phát hịên, tìm thấy thân nhân đã hồi hương về quê nhà.
Quốc Khánh