Trên cao nguyên trời tối nhanh hơn. Các tiểu đội lên nhận hầm. Mỗi hầm 5 người. Khiêng xác ngụy vứt vào các hầm bên cạnh. Xác địch nhiều quá lại đang phân hủy. Ruồi nhặng vô kể. Lúc ăn cơm không dám há to sợ ruồi bay vào miệng. Gần 2 tháng sau, chúng tôi được lệnh rút ra đi đánh sân bay Nhân Cơ. Chiều đến, tập kết tại một khu rừng rậm chờ lệnh. Do bị lộ, địch điều thêm quân từ ngã ba Quảng Đức và một số chốt kéo về. Trận đánh không diễn ra. Đầu năm 1975, ăn Tết xong. Gọi là ăn Tết nhưng chẳng có bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành. Chỉ rủ nhau đi tát cá. Đợt ấy tát được toàn cá lóc. Ăn thoải mái, còn để dành cho Tết. Chúng tôi vào các ấp hoang vắng do bà con đi sơ tán, lấy vài quả mít non đem về nấu cá. Vật chất thiếu thốn, nhưng tinh thần lại rất rôm rả. Nghe Đài TNVN phát đi những chương trình ca nhạc, ngâm thơ, độc tấu… chủ yếu nghe văn nghệ cho đỡ nhớ nhà.
Đã là tháng 4 dương lịch. Chúng tôi có lệnh đi chiến đấu. Đi ban ngày trên con đường nhựa ra phía Đông. Thỉnh thoảng lại có một lều quán bán hàng. Vài ba người ngồi nhìn đoàn Quân giải phóng vô tư đi giữa ban ngày. Cũng chẳng sợ bị lộ. cũng chẳng sợ bọn phản động ngầm báo. Cứ đi, đi mãi cho đến xế chiều. Đến một ngọn núi cao trước mặt. Chúng tôi không đi đường nhựa nữa mà leo núi. Đường lên núi gập ghềnh cheo leo. Chỉ sơ suất nhỏ không bám chặt vào cây mà trượt xuống là kéo theo người đi sau. Lên tới đỉnh lại bằng phẳng. Đồng bào Xtiêng phá nương trồng lúa. Cây cối, nứa nằm rạp ngổn ngang chưa đốt. Chúng tôi vượt qua vài nương như thế và chốt lại khu mộ của đồng bào. Có cả chum vại, ché đem theo. Có mộ còn buông màn. Trong đêm vắng, đơn vị chờ bọn ngụy tháo chạy để chặn đánh.
Trời sáng, tổ trinh sát quay về thông báo bọn ngụy đã rút khỏi Gia Nghĩa. Thế là chúng tôi được lệnh vào Gia Nghĩa ngay. Chốt ngụy trên quả đồi cao to. Trước khi tháo chạy, chúng đốt 1 kho thịt hộp; còn kho sữa và 1 kho thuốc tân dược, dụng cụ bông băng… chúng chưa kịp đốt. Chúng tôi khui sữa nấu làm kẹo cho mỗi người 20 hộp, gói gọn đem đi ăn dần.
Lưng đồi của bọn ngụy là khu gia binh cũng đã di tản hết. Các bếp để lại những món khô như lạc vừng, mắm đặc… “cung cấp” cho Quân giải phóng cải thiện. Phía dưới là những túp nhà của đồng bào Xtiêng sinh sống cũng vắng bóng người.
Chiều hôm sau, chúng tôi hành quân vào thị xã Gia Nghĩa. Phố xá đơn sơ, vắng vẻ. Đa phần bà con đi sơ tán. Lác đác có người ở lại. Không hề thấy vô cảm, sợ sệt bộ đội vào. Đang đi, có một chị ngồi bên bàn máy may kê ngoài hiên. Nhìn chúng tôi, chị nhoẻn miệng, vẫy tay hân hoan chào đón. Bất ngờ có một chiến sĩ nói vui:

  • Em ơi! Tối nay anh không về được. Em và các con cứ ngủ trước. Đừng đợi anh em nhé!.
    Chị mỉm cười. Chúng tôi cũng vui lây cái hóm hỉnh của anh bạn trêu đùa thế thôi!.
    Đêm ấy, bộ đội ngủ tại những dãy nhà của bà con đi sơ tán, hôm sau rời Gia Nghĩa đi theo đường nhựa. Không có dịp qua lại phố xá để biết thêm Gia Nghĩa dài, rộng ra sao và tình người Gia Nghĩa thế nào? Nhưng có thể nghĩ rằng tình quân dân ở đâu cũng mặn nồng đằm thắm, gắn bó keo sơn vì chúng tôi là người lính Cụ Hồ. Đi dân mến, ở dân thương là vậy, không khác được.
    Bây giờ, nói đến Nhân Cơ không còn là sân bay mà là Khu công nghiệp quặng nhôm. Gia Nghĩa bây giờ khác xa Gia Nghĩa thời chiến tranh. Tiếc rằng tuổi xuân không trở lại. Qua ti vi cũng biết Gia Nghĩa đã khác xưa nhiều lắm. Cuộc thi đấu bóng chuyền quốc tế được tổ chức tại Gia Nghĩa mà nhà thi đấu bề thế, đáp ứng được lòng mong đợi của bè bạn năm châu. Gia Nghĩa tầm cỡ đấy!
    Rồi đây Gia Nghĩa sẽ triển khai dự án nâng cấp, mở rộng di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt đường hành lang chiến lược Bắc – Nam nối liền hai vùng chiến lược Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, khai thông Đường Hồ Chí Minh.
    Nếu được vào Gia Nghĩa bây giờ, chắc tôi sẽ ngỡ ngàng một Gia Nghĩa đổi thay. Không thể hình dung nổi hôm nào còn mắc võng nằm hầm chỗ này, nơi kia mà bây giờ đã là một Đắc Nông đang vươn lên từng ngày cùng đất nước. Tôi nhớ da diết mảnh đất này từ cái thời gian khổ ác liệt: Gia Nghĩa – Đắc Nông.
    Đây là một kỷ niệm đẹp khó phai của tuổi xuân người lính.
    Đinh Đăng Minh