Có thể nói nguyên nhân của nạn dịch đa cấp tràn lan nằm ở sự lỏng lẻo trong vấn đề quản lý của Nhà nước; thế nhưng suy cho cùng cái gốc của vấn đề vẫn là do đại đa số người dân còn chưa nắm rõ được sự thật và nguồn gốc của kinh doanh đa cấp. Cho nên nhiều người đã nhẹ dạ cả tin, tưởng rằng dễ dàng kiếm tiền nhàn hạ, “ngồi mát mà ăn bát vàng”.
Nguồn gốc bán hàng đa cấp có từ đâu và bắt đầu từ bao giờ thì còn nhiều tranh cãi, nhưng vào khoảng những năm 1920-930 ở Mỹ đã có những công ty đa cấp ra đời. Ví dụ như công ty California Vitamin Company (sau đổi tên thành Nutrilite) và California Perfume Company (sau đổi tên thành Avon Products).
Tuy nhiên, các công ty bán hàng đa cấp vừa bước vào hoạt động đã có những trục trặc giữa người bán và người mua. Đỉnh điểm là năm 1975, trong Hội đồng Liên bang Hoa Kỳ đã có nhiều ý kiến phản đối hình thức kinh doanh đa cấp, quy kết nó với tên gọi "hình tháp ảo" - một hình thức kinh doanh bất hợp pháp. Đây là đòn đánh đầu tiên của Chính phủ Mỹ vào mô hình kinh doanh đa cấp; Công ty Amway phải theo hầu tòa 4 năm liền (từ năm 1975-1979). May cho Công ty - đến cuối năm 1979, Toà đã chấp nhận về mặt luật pháp công nhận phương pháp kinh doanh của Amway. Nhưng đồng thời Chính phủ Mỹ đã phải ra ngay bộ luật đầu tiên để quản lý mô hình kinh doanh đa cấp.
Tuy nhiên, sau gần một thế kỷ ra đời, mô hình kinh doanh đa cấp đã có sự chuyển dịch rất đáng chú ý: Những nước phát triển càng cao thì “bóng dáng” của các công ty đa cấp càng mờ nhạt. Ngược lại những nước phát triển thấp (trong đó có nước ta) thì kinh doanh đa cấp lại phát triển rất mạnh.
Tạo sao?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta trở lại vơi nguyên tắc căn bản trong kinh tế học, là: “Sự thịnh vượng của một quốc gia sẽ được tính bằng lượng của cải vật chất do xã hội đó tạo ra”. Nghĩa là, kinh doanh phải trên cơ sở phát triển dịch vụ, thương mại và các ngành sản xuất ra của cải vật chất. Ví dụ như ở các tập đoàn sản xuất lớn như SamSung, LG, Panasonic, Sony… của Hàn Quốc và Nhật Bản, đều là những “máy cái” sản xuất ra các loại mặt hàng, sản phẩm có giá trị thực như tivi, tủ lạnh, máy giặt… để bán cho người tiêu dùng. Số hàng hóa bán ra tỷ lệ thuận với lãi suất ông chủ thu được. Các doanh nghiệp sản xuất càng bán được nhiều hàng hóa thì xã hội càng được hưởng lợi vì có thêm nhiều của cải vật chất.
Ngược lại, trong mô hình kinh doanh đa cấp, số lượng sản phẩm là cố định, nhưng sau khi bị thông qua hàng loạt mạng lưới bán hàng trao tay từ trên xuống dưới (đa cấp) giá của một sản phẩm bị đội lên nhiều lần. Như thế bản thân số tiền đem lại cho “các ông chủ” nằm ở vị trí trên cùng của mạng lưới đa cấp là rất lớn, nhưng số sản phẩm đưa ra ngoài thị trường lại không thay đổi.
Như vậy, lợi nhuận vào túi ông chủ đa cấp "tầng trên" cũng chính là tiền móc ra từ túi của các nhân viên bán hàng đa cấp ở "tầng dưới". Còn nhân viên đa cấp “tầng dưới” thì đi móc túi từ người dân nhẹ dạ cả tin với mức giá bán sản phẩm càng qua nhiều cấp càng cao. Đúng như ý kiến của Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội đã nêu một ví dụ: “Công ty đa cấp Trường Giang nhập khẩu sản phẩm Calcium Kid, là sản phẩm bổ sung canxi cho trẻ em, giá gốc chỉ là 12.000 đồng một hộp, nhưng đến thành viên của Công ty thì giá rao bán đã là 990.000 đồng/hộp, mức chênh lệch giữa giá nhập và giá bán lên đến 82,5 lần".
Có thể nói không quá rằng, kinh doanh đa cấp chính là một dạng lừa đảo được núp bóng dưới hình thức phân phối sản phẩm theo nhiều cấp. Sản phẩm càng qua tay nhều cấp thì giá đến người tiêu dùng càng cao.
Chính vì thế mà ở những nước phát triển có nền sản xuất tiên tiến với hệ thống luật pháp chặt chẽ, thì mô hình kinh doanh đa cấp không thể tồn tại được và phải “xuất khẩu” dịch vụ của mình sang các nước kém phát triển hơn. Bằng cách lập đại lý, mở đại diện của mình ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Pháp… để “đánh bóng" chất lượng, rồi dùng cái danh đó đi lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin ở các nước phát triển thấp.
Chính vì thế, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương xiết chặt quản lý các công ty kinh doanh đa cấp để ngăn chặn “nạn dịch” này từ thành phố đang tràn về các vùng nông thôn; địa bàn vùng sâu, vùng xa, gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Phạm Sỹ Dũng