Cựu tù Côn Đảo - Nguyễn Xuân Viên (bên phải) trao đổi với phóng viên Báo CCB Việt Nam.

Chuyến đi Côn Đảo lần này, tôi không chỉ được dâng hương các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, mà còn may mắn được gặp cựu tù chính trị còn sinh sống duy nhất trên đảo. Đó là ông Nguyễn Xuân Viên.

Sinh năm 1944, ở xã Quế Long, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cựu tù chính trị Nguyễn Xuân Viên nhập ngũ tham gia gia kháng chiến từ năm 1965 khi mới 21 tuổi. Năm 1968, ông không may bị địch bắt, lúc đầu bị giam tại nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa, Đồng Nai) cùng với nhiều đồng đội. Sau hơn 1 năm giam cầm, tra tấn ông, địch không lấy được thông tin gì nên chúng chuyển ông sang nhà lao Chí Hòa (Sài Gòn). Tại đây, chúng cũng không thể ép ông khai ra cơ sở cách mạng nên lại đưa ông trả về nhà lao Tân Hiệp.

Ông Viên kể, tra khảo mãi mà không lấy được thông tin gì, quân địch còn ép ông đi lính cho chế độ Việt Nam cộng hòa nhưng cũng không được. Năm 1970, ông Viên bị đưa ra Côn Đảo để giam cầm. Chuyến đi lần đó, ông Viên xác định là sẽ không có ngày trở về. Chuyến đi đày kinh hoàng đó đến giờ ông Viên vẫn còn ám ảnh trong đầu: “Những đòn tra tấn dã man, bọn cai ngục bịt mắt, nhét giẻ vào mồm, trói chân tay rồi khiêng tôi đổ dồn xuống tầng hầm một con tàu rồi đày ra Côn Đảo. Đến đảo chúng nhốt tôi vào chuồng cọp và tiếp tục tra tấn còn khủng khiếp hơn trong đất liền”.

Ông Nguyễn Xuân Viên là một trong những người nằm trong danh sách tù chính trị câu lưu. Đây là loại tù đặc biệt tại nhà tù Côn Đảo, vì các tù nhân không thể kết tội, không án tiết, bị giam giữ vô thời hạn. Năm nay, cựu tù Nguyễn Xuân Viên vừa tròn 80 tuổi, sức khỏe đã yếu. Những vết thương trên người bởi những đòn tra tấn để lại đã khiến ông thường xuyên bị đau nhức mỗi lúc trái gió, trở trời.

Theo ông Viên, Côn Đảo được giải phóng muộn hơn trong đất liền, sáng ngày 30-4-1975, Sài Gòn được giải phóng nhưng mãi sang ngày 1-5, anh em tù Côn Đảo mới được thả ra. Đến ngày 5-5, mới có tàu từ đất liền ra đón các tù nhân. Ai bị giam lâu, sức khỏe yếu thì được vào bờ trước, rồi cứ lần lượt hơn 4.000 người tù chính trị được rời khỏi “địa ngục trần gian”.

Vào đất liền, được nghỉ dưỡng sức khỏe ổn định, cựu tù chính trị Nguyễn Xuân Viên về làm công an xã tại quê hương Quảng Nam. Làm được 3 năm, ông Viên xin chuyển ra Côn Đảo làm công tác thông tin - văn hóa, rồi được giao làm Phó trưởng Ban Quản lý di tích Quốc gia huyện Côn Đảo. Đến năm 2000, ông Viên nghỉ hưu và sinh sống tại khu dân cư số 7, huyện Côn Đảo cùng vợ và 3 người con.

Sau ngày miền Nam giải phóng, có hơn 150 cựu tù chính trị tình nguyện ở lại Côn Đảo để góp sức xây dựng huyện đảo. Đến nay chỉ còn hai người còn sống: Bà Nguyễn Thị Ni, sinh năm 1940 là nữ tù chính trị bị tra tấn đến mất quyền làm mẹ. Do tuổi cao, sức khỏe yếu nên bà Ni đã về đất liền sinh sống từ cuối năm 2023. Hiện chỉ còn duy nhất cựu tù chính trị Nguyễn Xuân Viên là người còn sinh sống trên mảnh đất Côn Đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hoàng Thanh