Cựu chiến binh Bùi Văn Mười, ở xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) giới thiệu về nghề nuôi ba ba lấy thịt của gia đình với lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện Phú Xuyên.

Thực hiện phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, nhiều cựu chiến binh của huyện Phú Xuyên đã có những cách làm hay, vượt khó vươn lên và giúp nhiều hội viên thoát nghèo, làm giàu trên quê hương.

Từ năm 2010 đến nay, cựu chiến binh Bùi Văn Mười ở xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) duy trì nghề nuôi ba ba. Mỗi lứa nuôi 300 con ba ba từ tháng 3 đến đầu tháng 12 hằng năm, gia đình ông có thu nhập 40-50 triệu đồng. “Việc nuôi ba ba phù hợp với sức khỏe của tôi và giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định”, ông Bùi Văn Mười nói.

Phát huy ngành nghề truyền thống, sau khi xuất ngũ, cựu chiến binh Đào Ngọc Hùng ở xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) đã gắn bó với nghề may hơn 30 năm nay. Từ cơ sở sản xuất nhỏ, sau những nỗ lực, ông đã phát triển trở thành Công ty TNHH May mặc Hùng Luyến chuyên may quần áo thời trang, thị trường tiêu thụ tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trung bình mỗi năm, doanh thu của công ty 15-16 tỷ đồng (chưa trừ chi phí). Ngoài tạo việc làm cho người thân trong gia đình, công ty còn giải quyết việc làm ổn định cho 40-50 lao động địa phương với mức lương 6,5-8 triệu đồng/người/tháng.

Thực hiện phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, Hội Cựu chiến binh huyện Phú Xuyên đã động viên cán bộ, hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Vì vậy, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu như Công ty TNHH Xây dựng Hiếu Trung của cựu chiến binh Trần Xuân Hiếu ở xã Vân Từ; xưởng may màn tuyn xuất khẩu và sản xuất cơ khí của cựu chiến binh Lã Văn Oánh ở xã Đại Thắng…

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các mô hình giúp nhau làm kinh tế, đơn cử như Câu lạc bộ Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của Hội Cựu chiến binh thị trấn Phú Xuyên, Câu lạc bộ Giày da cựu chiến binh ở xã Châu Can… Các mô hình này đã có những cách làm hay giúp nhiều doanh nghiệp của các cựu chiến binh sản xuất kinh doanh hiệu quả, vươn lên làm giàu.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Xuyên Phùng Văn Thảo cho biết: “Dù ở thời kỳ nào, các cựu chiến binh luôn là lực lượng tiên phong, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động xã hội, nhân đạo ở địa phương. Từ năm 2016 đến nay, Hội Cựu chiến binh huyện đã hỗ trợ xây dựng mới 8 ngôi nhà, sửa chữa 11 ngôi nhà cho hội viên với số tiền 560 triệu đồng; trao tặng 29 sổ tiết kiệm với tổng trị giá trên 145 triệu đồng. Các cựu chiến binh của huyện đã giúp 81 hội viên giảm nghèo nên hiện nay trên địa bàn huyện chỉ còn 10 hộ cựu chiến binh nghèo, chiếm 0,09%, 100 hộ cận nghèo, chiếm 0,9%, đặc biệt 75% số hộ cựu chiến binh có kinh tế khá hoặc giàu.

Để hội viên tích cực tham gia phát triển kinh tế, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân cựu chiến binh huyện Phú Xuyên Đào Ngọc Hùng chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để hội viên có thêm cơ hội mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương”. Là người đã thành công với việc phát triển nghề truyền thống của địa phương và có xưởng sản xuất mây tre đan xuất khẩu với quy mô lớn, cựu chiến binh Lê Hữu Tư ở xã Tri Trung cho hay: “Với kinh nghiệm phát triển kinh tế, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ kiến thức cho đồng đội trong và ngoài địa phương để cùng nhau làm giàu”.

Về định hướng thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Xuyên Vũ Hữu Thư cho biết: “Hội Cựu chiến binh huyện sẽ tiếp tục duy trì mô hình “10+1, 20+1 và 30+1” (tức là mỗi mô hình huy động từ 10 đến 20, 30 gia đình cựu chiến binh hỗ trợ một gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo); hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn về con giống vật nuôi, phương tiện phục vụ sản xuất kinh doanh; xây dựng mỗi hội cơ sở xã, thị trấn có một mô hình làm kinh tế giỏi do cựu chiến binh làm chủ”. Các hoạt động trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” của huyện Phú Xuyên đã khơi dậy tinh thần vượt khó, đoàn kết, “tương thân, tương ái”, góp phần nâng cao đời sống hội viên và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mô hình này cần được nghiên cứu nhân rộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

HIỀN PHƯƠNG