Tổng thống Mỹ - Joe Biden trong cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình.

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ - Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình diễn ra ngày 18-3 khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bước sang ngày thứ 23. Dù được đánh giá là cuộc trao đổi thẳng thắn nhằm thúc đẩy giải pháp ngoại giao trong cuộc xung đột ở Ukraine,  nhưng vẫn chưa giúp tìm ra giải pháp giảm nhẹ xung đột. Rõ ràng, khi các nước lớn “nói chuyện”, lợi ích của họ sẽ lớn và sẽ được ưu tiên hơn các lợi ích khác, nên không thể có ngay được giải pháp.

Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ - Joe Biden trong cuộc điện đàm: “Quan hệ giữa các nước không thể đi tới giai đoạn đối đầu quân sự, xung đột không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Hòa bình và an ninh là những kho báu quý giá nhất với cộng đồng quốc tế. Khủng hoảng Ukraine là điều chúng tôi không muốn thấy”.

Có thể thấy, Trung Quốc không bộc lộ rõ mình đứng về bên nào trong xung đột ở Ukraine khi chỉ nhấn mạnh trong cuộc điện đàm rằng các xung đột quân sự “không có lợi cho ai” và “cuộc khủng hoảng Ukraine” không phải là điều Trung Quốc muốn thấy. Ông Tập Cận Bình không quy lỗi cho Nga về cuộc xâm lược này. Ông nói: “Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiếp tục đối thoại và thương thuyết, tránh gây thiệt hại cho dân thường, ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo, ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi tất cả các bên ủng hộ cuộc đối thoại và thương thuyết Nga - Ukraine, trong khi Washington và NATO cũng nên tiến hành đàm phán với Nga để giải quyết “những vấn đề nan giải” của cuộc khủng hoảng Ukraine và giải quyết những quan ngại vể an ninh của Nga lẫn Ukraine.

Trung Quốc, Nga, Mỹ đều là những nước lớn mà các hành động quân sự, kinh tế hay lập trường của họ về một vấn đề nào đó đều tác động mạnh tới các mối quan hệ trên toàn cầu. Tuy vậy, các động thái răn đe, trừng phạt lẫn nhau giữa các nước lớn vẫn diễn ra. Trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết thì việc Trung Quốc và Nga cùng lên tiếng phản đối việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc hỗ trợ Nga về quân sự và kinh tế giữa lúc Nga bị cấm vận vì chiến dịch quân sự đặc biệt của họ ở Ukraine là một phán ứng mạnh mẽ của Trung Quốc với Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ dường như rất “kiệm lời” khi thông báo kết quả của cuộc điện đàm này. Vài giờ sau điện đàm, Nhà Trắng ra thông báo cho biết, trong cuộc hội đàm trực tuyến kéo dài gần 2 giờ, hai nhà lãnh đạo Trung - Mỹ đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc tìm ra giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Vậy là, sau khi nêu ra quan điểm của mình, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc dường như chỉ có một điểm thống nhất với nhau khi đồng ý cần tiếp tục trao đổi để tránh tình hình quốc tế xấu đi. Tuy nhiên, việc Mỹ tung tin Trung Quốc hỗ trợ Nga và vũ khí và kinh tế theo đề nghị của Nga trước cuộc điện đàm cho thấy mối quan ngại thực sự của Mỹ khi các lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga có thể khiến quan hệ Nga - Trung mặn mà hơn. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới - có biên giới dài giáp Nga vốn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 cùng cuộc chiến thương mại dai dẳng với Mỹ sẽ không dễ gì thuận theo các đề xuất của Mỹ về tình hình Ukraine.

Nga, Trung Quốc, Iran, Triều Tiên là những quốc gia được Mỹ đưa vào danh sách đối thủ trong chiến lược an ninh của mình. Với tư cách là nước lớn, việc Trung Quốc có tiếng nói, biện pháp đề vãn hồi tình hình Ukraine bằng các biện pháp hòa bình là kết cục tốt cho khu vực bởi Trung Quốc ắt sẽ chẳng vui gì khi thấy Nga suy yếu bởi các lệnh cấm vận và cô lập của phương Tây.

Thanh Huyền